Bánh Giò Thơm Ngon Nóng Hổi
Nếu muốn làm mới thực đơn cho bữa sáng, sao bạn không thử cách làm món bánh giò nóng, mềm thơm, hấp dẫn trên Thật Là Ngon?
Bánh giò là một trong những món ăn rất đỗi quen thuộc với mọi gia đình. Người ta thường dùng bánh giò trong bữa sáng bởi tính nhanh gọn, tiện lợi và nhiều dinh dưỡng.
Ngoài ra, bánh giò cũng là 1 trong những món ăn đường phố được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Đặc biệt là trong tiết trời se se của mùa thu hay lành lạnh của mùa đông, bạn có thể bắt gặp bất kì 1 gánh hàng rong hay quán ăn vỉa hè với biển hiệu bánh giò nóng trên đường phố Hà Nội.
Những chiếc bánh giò thơm ngon hấp dẫn này tưởng như rất khó để làm nhưng thật ra lại rất đơn giản. Bạn hãy theo dõi công thức siêu chi tiết dưới đây để làm những chiếc bánh giò mềm mịn mời gia đình cùng thưởng thức nhé.
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị nước dùng gà bằng cách hầm 0.5 kg xương gà với 1.5 lít nước và 1 thìa cà phê muối trong 30-45 phút. Sau đó, bạn nêm nếm lại nước dùng cho vừa khẩu vị, không nên để nước dùng quá mặn.
Tiếp đó, bạn để nước dùng nguội đến khoảng 40 °C thì lọc qua rây để loại bỏ phần xương gà vụn, rồi lấy 650 ml nước dùng đem ngâm bột gạo lọc.
Bạn cho bột gạo lọc vào 1 âu lớn rồi cho từ từ nước dùng gà vào rồi nhẹ nhàng khuấy đều tay. Sau đó, bạn lọc phần hỗn hợp này qua rây 1 lần nữa để vỏ bánh sau hấp sẽ mịn hơn.
Tiếp theo, bạn để bột nghỉ khoảng 30-45 phút.
Trong thời gian chờ bột nghỉ thì bạn ngâm mộc nhĩ cho nở, sau đó rửa sạch, cắt bỏ phần cuống và thái nhỏ.
Đối với phần thịt xay, bạn đem trộn đều với ¼ thìa cà phê hạt nêm, ¼ thìa cà phê nước mắm, ¼ thìa cà phê đường, hạt tiêu để thịt ngấm gia vị.
Đối với hành tây, hành khô, củ đậu, bạn đem rửa sạch và cắt nhỏ tương tự mộc nhĩ. Bạn lưu ý nên thái củ đậu nhuyễn hơn hành tây và hành khô nhé.
Tiếp theo, bạn bắc chảo lên bếp với mức lửa trung bình, chờ chảo nóng thì thêm 2 muỗng canh dầu ăn rồi thêm hành tây và hành khô vào đảo đều. Khi hành tây chuyển sang màu hơi trong thì bạn thêm củ đậu thái nhuyễn vào và đảo đều trong 1 phút.
Sau đó, bạn thêm phần thịt xay vào và đảo đều. Khi thịt xay chín thì bạn cho mộc nhĩ vào sau cùng để tạo độ giòn. Bạn đảo đều khoảng 2 phút thì nêm nếm thêm gia vị cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp.
Cuối cùng, bạn cho phần hành phi vào và đảo đều.
Với mỗi bánh, bạn cần chuẩn bị 2 lá để khi hấp bánh thì không sợ hơi nước tràn vào, 1 lá to có chiều dài 25 cm và 1 lá nhỏ có chiều dài 15 cm và đem rửa sạch. Tổng số lá phải dùng là 5 lá to và 5 lá nhỏ. Nếu bạn có cả bẹ lá chuối dài thì bạn có thể cắt lá cho vừa kích thước nhé.
Bạn nên chọn lá chuối không quá non cũng không quá già nhé. Lá già thường dễ bị rách hơn.
Đầu tiên, bạn bắc lên bếp 1 nồi nước to để làm nước trụng lá chuối. Trong thời gian chờ nước sôi thì bạn rửa qua lá chuối.
Sau đó, bạn dùng dao/kéo để cắt phần gân cứng của lá để khi gói bánh sẽ dễ dàng hơn. Bạn chú ý cắt cách xa phần lá để tránh lá bị rách.
Khi nước sôi thì bạn trụng sơ lá chuối khoảng 10-15 giây rồi vớt lá ra và lau khô bằng khăn sạch hoặc giấy thấm thức ăn. Bạn nhớ giữ phần nước vừa trụng tận dụng để hấp bánh nhé, phần nước này cũng góp phần giúp bánh thơm hơn.
Tiếp theo, bạn gấp lá chuối để chuẩn bị gói bánh. Có rất nhiều cách gói khác nhau, bạn có thể tham khảo cách gấp lá chuối để gói bánh như sau nhé:
Đầu tiên, bạn đặt lá chuối to xuống mặt bàn, mặt xanh đậm tiếp giáp với mặt bàn, còn mặt xanh nhạt thì hướng lên. Sau đó, bạn đặt lá chuối nhỏ lên, mặt xanh nhạt sẽ tiếp giáp với lá chuối to, còn mặt xanh đậm sẽ hướng lên trên. Bạn lưu ý, đường gân của 2 lá chuối nên chéo nhau hình chữ thập.
Tiếp theo, bạn gỡ 2 lớp lá ra sẽ tạo được phần giữa trống để thêm nhân vào.
Trước khi gói bánh, bạn cần khuấy bột cho chín. Bạn bắc chảo chống dính lên bếp rồi cho hỗn hợp bột gạo lọc vào và khuấy đều tay. Lúc đầu, bạn khuấy liên tục trên lửa to. Khi bột bắt đầu xuất hiện lợn cợn thì bạn hạ lửa nhỏ.
Bạn nên khuấy liên tục, khi bột sệt lại thì bạn thêm 1 muỗng canh dầu ăn rồi khuấy đều. Bạn có thể dùng phới lồng để khuấy, bột sẽ mịn và nhuyễn hơn.
Bạn khuấy cho đến khi bột không còn dính chảo thì tắt bếp. Tổng thời gian khuấy với mức lửa nhỏ nhất là khoảng 10 phút.
Bạn đặt lá chuối đã gấp vào 1 cái cốc, hoặc có thể cầm tay, tuy nhiên, để vào cốc thì khi cho nhân sẽ dễ dàng hơn.
Bạn cho 2 muỗng canh bột vào rồi miết đều và miết lên thành xung quanh. Sau đó, bạn thêm 2 muỗng canh nhân thịt lên rồi cho 2 muỗng canh bột lên trên cùng. Bạn dùng 1 muỗng mới đã nhúng dầu ăn miết phần bột trên cùng cho kín phần nhân lại. Việc nhúng dầu ăn sẽ giúp muỗng không bị dính bột và bề mặt bột sẽ mướt và bằng phẳng hơn.
Sau đó, bạn gấp lá lại, bạn nên gấp phần lá có nếp gấp trước, với phần lá dư thì bạn gấp lại và nhét vào trong kẽ. Gói như này bánh đủ chắc, vỏ không tuột. Tuy nhiên bạn cũng có thể dùng thêm nạt đẻ buộc bánh cho chắc.
Tiếp đó, bạn bắc nồi nước vừa để trụng lá chuối lên bếp để hấp bánh. Khi nước sôi thì bạn cho bánh vào xửng hấp trên lửa vừa trong khoảng 30 phút thì bánh chín.
Bạn chờ bánh nguội bớt là có thể thưởng thức cùng tương ớt, nộm dưa leo... Thành phẩm thu được là bánh rất thơm, phần vỏ rất mềm mịn và béo ngậy.
Trong điều kiện khí hậu mát mẻ, khoảng 20-22 °C, bạn có thể để bánh giò ở nhiệt độ phòng khoảng 2 ngày. Nhưng thời tiết mùa hè nóng bức thì bánh nhanh hỏng, dễ bị chua. Vì vậy, bạn nên bảo quản trong ngăn mát khoảng 3-4 ngày để đảm bảo chất lượng.
Trước khi ăn, bạn có thể làm nóng bánh bằng cách hấp hoặc quay lò vi sóng, đảm bảo bánh vẫn mềm và thơm ngon.
Nếu bạn muốn bảo quản lâu hơn thì có thể để vào trong ngăn đá từ 4-6 tuần. Hôm nào cần ăn thì bạn đem rã đông trên ngăn mát từ đêm hôm trước, sau đó làm nóng lại là dùng được.
Nếu không có lá chuối thì bạn có thể dùng giấy nhôm và giấy nến thay cho lá chuối nhé. Bạn dùng giấy nhôm như lớp lá chuối to và giấy nến cho lớp lá nhỏ rồi thực hiện gấp và gói bánh như với lá chuối.
Ngoài ra, một mẹo nhỏ vừa không phải dùng lá chuối, giấy nhôm hay giấy nến, vừa không lo phải gói bánh cẩn thận mà vẫn có bánh giò nóng ngon. Đó là bạn sẽ sử dụng cốc, bát nhỏ hay khuôn chịu nhiệt để làm khuôn hấp bánh. Cách làm rất đơn giản.
Sau khi đã đun bột và chuẩn bị nhân như hướng dẫn ở trên, bạn múc bột vào cốc, bát nhỏ,… sau đó dùng thìa miết lên thành xung quanh. Bạn lưu ý, chỉ múc bột đến 1 nửa chén thôi nhé.
Sau đó, bạn cho nhân vào giữa và đổ bột lên trên. Bạn dùng thìa miết đều vào bao kín nhân là được. Thìa để miết bột nên được nhúng qua dầu để miết dễ hơn, tránh việc dính bột.
Cuối cùng, bạn đặt bánh lên xửng và hấp khoảng 25-30 phút là bánh đã chín. Bạn nên che mặt bánh bằng giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm chịu nhiệt để tránh hơi nước đọng lại rơi vào bánh làm nhão bột.
Trong thời gian chờ bánh chín thì bạn chuẩn bị vài món ăn kèm như dưa góp, chả giò, chả quế,…
Khi bánh chín, bạn chờ bánh bớt nóng rồi úp ngược lên đĩa hoặc ăn trực tiếp trong cốc/ bát… đều được. Rất tiện đúng không?
Có thể nói, bánh giò là một trong những món ăn bình dân mang cốt cách thanh lịch của người Hà Nội. Bánh giò có ở mọi ngóc ngách, con ngõ, không chỉ ở những hàng quán cố định trên vỉa hè mà còn rong ruổi khắp các con phố bởi những gánh hàng rong.
Không khó để nghe được lời rao “Ai bánh giò nóng đây?” cùng với hình ảnh người bán bánh trên chiếc xe đạp cũ kĩ, đằng sau là 1 thùng ủ kín những chiếc bánh giò nóng hổi. Cứ như vậy, bánh giò trở thành 1 món ăn dân dã quen thuộc với người Hà Nội.
Trải qua thời gian, cùng với sự du nhập của các nền văn hóa ẩm thực từ các nước trên thế giới, bánh giò vẫn giữ một vị trí đặc biệt nào đó trong lòng người Hà Nội. Tuy nhiên, với sự sáng tạo không ngừng của các thế hệ mà cách thưởng thức bánh giò trở nên đặc biệt hơn bởi sự nhấn nhá của 1 vài món ăn kèm.
Thông thường, bánh giò nóng ăn không hoặc đơn giản nhất cũng ăn kèm với dưa góp và tương ớt. Vị chua chua, cay cay hòa cùng vị thơm của bột gạo và vị ngọt của thịt heo, quả thực rất hấp dẫn.
Thế nhưng, nếu dạo quanh vài quán bánh giò nóng ở Thụy Khuê, khu chợ Hôm, Đông Các,… bạn sẽ thấy 1 suất bánh giò nóng đầy đủ thường đi kèm với xúc xích rán, chả giò, chả quế, dưa món. Giữa chiều mà được xoa dịu cơn đói bằng những chiếc bánh giò ú nu, vỏ bánh mềm thơm cùng phần nhân đầy đặn lại thêm vài món ăn kèm này thì còn gì bằng.
Bạn có thể đến thưởng thức tại 1 vài địa điểm sau nhé:
Ngoài ra, có vài nơi còn thêm cả thịt nướng như quán bánh giò số 33 Đông Các, Đống Đa, hay thêm chả cốm rất hợp với tiết thu Hà Nội như bánh giò nóng B16 Kim Liên, Đống Đa.
Trên đây là chi tiết cách làm bánh giò tại nhà rất dễ làm. Chỉ cần bỏ ra 1 chút thời gian là bạn sẽ có được bữa sáng thịnh soạn hay bữa xế xoa dịu cơn đói bằng những chiếc bánh giò nóng hổi thơm ngon rồi.
Và còn có rất nhiều món bánh Việt ngon mà bạn hoàn toàn có thể tự làm ở nhà nữa. Hãy tham khảo các công thức sau nhé:
Chúc bạn thành công!
*Ảnh: Nguồn Internet