Hương vị thành Nam
Gọi là bánh nhãn nhưng không hề có tí ti thành phần nào liên quan đến quả nhãn cả. Hôm nay Thật Là Ngon sẽ cùng bạn vào bếp học cách làm bánh nhãn, món quà quê nức tiếng thành Nam nhé!
Nam Định sở hữu nhiều giống nếp thơm ngon có tiếng như nếp nhung lùn, nếp cái hoa vàng,… nên chẳng ngạc nhiên khi đặc sản xứ này nhiều ít gì cũng có phần gạo nếp góp vào.
Nào là bánh giầy Vị Dương, bánh chưng Bà Thìn, bánh gai Bà Thi, rượu nếp Hải Hậu,… Đến cả quà vặt thành Nam cũng có bánh nhãn Đông Cường để chiều lòng những chiếc dạ dày háu ăn.
Trước đây, cứ tầm tháng chạp là người ta đã rục rịch làm bánh nhãn, để dành đãi khách ngày tư ngày Tết. Sau này du lịch phát triển thì bánh nhãn được làm quanh năm vì là… đặc sản mà.
Trong các loại bánh nếp thì bánh nhãn được xếp vào hàng dễ làm nhất nhì. Nguyên liệu vô cùng dễ kiếm thế nên bạn có thể bắt tay chuẩn bị ngay một mẻ bánh nhãn để làm quà tặng người thương (nhắc nhỏ là ngày Quốc tế Phụ nữ đang đến gần rồi đó!!!).
Nào, xắn tay lăn vào bếp ngay thôi!!!
Bạn đập trứng vào bát, cho đường và bột nếp vào trộn đều. Bạn nên rây lại bột nếp một lần, bột càng mịn thì khi rán bánh sẽ ít bị phồng nổ hơn. Nếu bạn muốn bánh có vị ngọt beo béo và mùi sữa thơm nhẹ thì có thể thay đường kính bằng sữa đặc với lượng tương ứng.
Về lượng trứng cho vào trộn bột, tùy bạn sử dụng trứng gà ta hay gà công nghiệp mà điều chỉnh nhé, vì thường trứng gà ta sẽ khá nhỏ. Bạn nào không muốn thêm nước, chỉ dùng trứng để trộn bột thì số trứng dùng sẽ nhiều hơn ở công thức của mình. Hơn nữa, càng nhiều trứng thì màu bột của bạn sẽ đậm.
Trộn xong bạn sẽ được một khối bột dẻo mịn, không dính tay. Nếu dính tay chứng tỏ bột còn hơi ướt, bạn thêm vào chút bột nếp và tiếp tục nhồi. Ngược lại nếu bột bị khô thì sẽ nẻ và dễ bể vụn, bạn nhỏ thêm từng ít nước (hoặc thêm trứng) và nhồi đến khi bột mướt mịn.
Lượng nước thêm vào bột sẽ phụ thuộc vào chất lượng bột nếp bạn sử dụng. Với bột xay từ gạo nếp tươi và mới thì sẽ cần ít nước hơn bột để lâu ngày. Bạn nào dùng bột đóng túi công nghiệp thì nên lượng chừng lượng nước thêm vào, vì lượng nước hướng dẫn trên túi sẽ chỉ mang tính tương đối thôi.
Sau khi nhồi bột xong, bạn véo bột thành những viên nhỏ và vê tròn, có thể vừa nhấp dầu ăn vừa vê để bột không bị dính vào với nhau. Vì khi rán bột sẽ còn nở phồng ra gấp 3-4 lần nữa nên bạn chỉ cần nặn những viên bột to bằng đầu ngón tay là vừa ăn.
Hơn nữa, nếu nặn bánh quá to thì khi rán bánh sẽ rất lâu chín hoặc vỏ đã giòn nhưng ruột vẫn còn ướt. Như thế vừa mất thời gian mà bánh có thể sẽ bị cháy nữa. Với cả, bánh mà to quá thì sao gọi là bánh nhãn được nữa.
Ngoài làm bánh nhãn vỏ trần, bạn có thể áo vừng đen hoặc vừng trắng và ngào đường để tăng sự phong phú cho món bánh.
Nặn bột xong đâu đấy thì bạn bắc chảo lên, đổ dầu vào và chờ dầu nóng. Nên cho dầu nhiều một tí để khi rán bánh ngập trong dầu, như thế bánh sẽ nhanh chín, đều màu và ít bị nứt nổ vỏ.
Khi rán bánh nhãn bạn chỉnh lửa/ nhiệt độ ở mức trung bình là vừa. Lửa quá nhỏ thì bánh sẽ nở kém, lâu chín; lửa to quá bánh lại dễ cháy. Trong quá trình rán, bạn nhớ đảo nhẹ tay liên tục để bánh không bị dính với nhau và chín, nở đều.
Vì phải rán kha khá thời gian nên nếu được, bạn nhớ chọn những loại dầu có điểm sôi cao một chút như dầu dừa, dầu bơ,… thì sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Thêm nữa mùi dầu thơm thơm ám vào bánh tạo ra một thứ hương dìu dịu rất mê.
Nhà bạn nào không có người lớn tuổi gặp các vấn đề về cholesterol thì có thể dùng mỡ lợn (theo cách làm truyền thống thì sẽ rán nguyên khổ) để rán, bánh sẽ có mùi thơm dậy hơn dùng dầu thực vật rất nhiều.
Khi làm bánh nhãn, nếu khâu nhào bột nặn bánh hơi mất công thì đến lúc rán bạn cần khá kiên nhẫn. Thường với bánh cỡ nhỏ bạn mất chừng 15-20 phút để bánh chín đều từ ngoài vào trong. Với những bạn làm bánh nhãn lần đầu, chưa biết canh độ chín của bánh thì khi rán chừng 10-15 phút, bánh bắt đầu ngả màu cánh gián, bạn vớt một chiếc thử xem.
Nếu ở trong lòng bánh vẫn chưa khô hẳn như này thì rán thêm chừng 3-5 phút là bánh sẵn sàng để vớt ra.
Ruột bánh càng khô thì bánh càng giòn, để được lâu mà không bị ỉu mềm. Thêm nữa, nếu ruột bánh vẫn còn ướt thì rất dễ bị mốc từ bên trong.
Bạn nào hảo ngọt thì ngào bánh qua với đường, phương thức thực hiện tương tự như cách sên mứt dừa hoặc chuối ngào đường.
Tùy khẩu vị, bạn có thể dùng nước gừng giã hoặc sữa lạt để đun sôi cùng với đường đến khi đường hơi keo sợi (sôi lăn tăn sủi bọt trắng, chưa chuyển sang màu nâu) thì cho bánh vào đảo. Ở bước này bạn có thể thay đường kính bằng đường nâu, nếu thích có thể cho thêm chút bột quế cho thơm.
Những bạn thích trải nghiệm mới lạ thì có thể thử làm bánh nhãn nhúng đường theo kiểu kẹo hồ lô hoặc rưới/ phủ socola. Vị cũng rất hay đấy.
Ngoài món bánh nhãn có màu vàng cam truyền thống, bạn có thể cho thêm bột trà, bột cacao, nước màu hoa quả (gấc, thanh long đỏ,…) vào lúc trộn bột để tạo ra phiên bản bánh nhãn đủ màu trông bắt mắt hơn nhé.
Bánh nhãn chính gốc sẽ có màu vàng ruộm, đặc ruột (nên bạn đừng dùng bột nở nha), giòn thơm, ngọt thanh, đượm vị béo béo bùi bùi.
Bánh nhãn nhà làm bạn cất vào hũ thủy tinh hoặc cho vào túi zip để nơi thoáng mát, ăn lai rai được từ 2-3 tuần. (Nhưng theo kinh nghiệm nhà mình thì chẳng mấy tuần trà đã hết veo rồi 😋)
Muốn những chiếc bánh nhãn tròn tròn, xinh xinh, giòn rụm từ trong ra ngoài lại giữ được màu vàng ruộm vừa tới thì người rán phải rất kiên nhẫn chờ bánh khô lòng, không thể nóng vội mà tăng lửa được.
Nghĩa là trông đơn giản nhưng để có được một mẻ bánh ưng ý thì phải rất dụng công, rất để tâm và dốc lòng. Còn món quà nào quý hơn tấm lòng ấy nữa!
Mà, dốc lòng cho những người, những điều xứng đáng thì bao giờ mình cũng hạnh phúc nhiều.
Bây giờ Tháng Giêng.
Hết Tết còn Xuân, câu chuyện bánh trái ở bếp Thật Là Ngon vẫn dài lắm lắm. Nên bạn đừng quên theo dõi và chia sẻ với chúng mình kinh nghiệm cũng như thành quả của bạn nơi góc bếp ấm thơm thơm nha!
*Ảnh nguồn Internet