Giòn rụm thơm ngon hết xảy!
Cùng trổ tài vào bếp với cách làm bánh tráng nướng vô cùng đơn giản nhưng thành phẩm chắc chắn sẽ làm bạn phải ngạc nhiên đấy.
Các bạn có biết tại sao Việt Nam lại là một trong những địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn với du khách nước ngoài không? Bên cạnh sự thân thiện của người dân, phong cảnh nên thơ, hùng vĩ thì một yếu tố không thể không nhắc tới, đó là nền ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng và hấp dẫn.
Đặc biệt phải kể đến những món ăn đường phố luôn có một sức hút kì lạ với thực khách. Dạo một vòng Bắc-Trung-Nam, chúng mình có thể dễ dàng kể ra vô vàn món ăn hấp dẫn như: phở, xôi, bánh mì, bánh tôm, bánh xèo,… Thế nhưng hôm nay, mình sẽ gợi ý cho các bạn một món ăn khác, có nguồn gốc từ Đà Lạt. Các bạn đã đoán ra là món gì chưa?
Đúng rồi đấy, đó chính là món bánh tráng nướng!
Bạn chưa từng đến Đà Lạt ăn bánh tráng nướng, hoặc đã từng có cơ hội vi vu ở đây và mê mẩn món ăn đường phố này? Đừng lo, mình ở ngay đây, đồng hành với bạn cùng công thức làm bánh tráng nướng ngon mê ly, ăn rồi chỉ muốn ăn nữa, ăn mãi thôi.
Vào bếp với Thật Là Ngon ngay thôi nào!
Đầu tiên, chúng mình chuẩn bi mỡ hành. Mỡ hành là thành phần quan trọng khiến cho món bánh tráng nướng béo ngậy và thơm lừng hơn hẳn.
Bạn nhặt sạch gốc và lá úa của hành lá, rửa sạch bằng nước. Sau khi để ráo, bạn thái nhỏ khoảng 3-4 mm rồi cho vào bát nhỏ. Tiếp đến, bạn đun sôi dầu rồi đổ vào bát hành vừa thái.
Tiếp theo là đến phi hành khô. Để phi hành khô ngon thì chúng mình cần bỏ chút thời gian đấy.
Bạn lột sạch vỏ hành tím, dùng dao thái hoặc bào hành thành lát mỏng. Bạn cố gắng thái cho độ dày hành đều nhau khoảng 1 mm nhé. Sau đó, bạn mang phơi ngoài nắng cho hành héo lại, làm vậy khi chiên sẽ nhanh giòn hơn.
Một mẹo nhỏ để khi chế biến hành không bị cay mắt là bạn cho chúng vào tủ lạnh khoảng 20 phút trước khi thái. Nếu phải chế biến một lượng nhiều thì bạn nên thử nhé.
Bạn chiên hành ngập dầu đến khi hành có màu vàng nhạt thì dùng ray lọc vớt ra để ráo dầu (không nên để đến khi hành thật vàng vì sau khi vớt ra hành sẽ tiếp tục chín vàng đậm hơn, khi ăn sẽ có vị đắng).
Chuyển qua phần chuẩn bị bếp và than nướng nhé. Ở đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách nhóm than bằng cồn khô (nếu không có cồn khô, bạn có thể dùng giấy, củi khô,… để thay thế).
Trước hết, bạn cắt than thành từng viên nhỏ, dày khoảng 3-4 cm. Sau đó bạn xếp than xung quanh viên cồn, nhóm lửa vào cồn và đợi cho đến khi than cháy hồng. Bạn cho than vào bếp nướng rồi đặt vỉ nướng lên phía trên.
Bước chuẩn bị đã xong rồi, mình cùng nướng bánh tráng thôi!
Trước hết, bạn đặt bánh tráng lên vỉ nướng. Bánh tráng càng mỏng thì khi nướng, bánh sẽ càng giòn rụm đạt chuẩn. Bánh tráng cũng nên lành lặn không bị bể vỡ để chúng mình cho nhân lên không bị rớt xuống nhé.
Sau đó, bạn cho một thìa canh mỡ hành, một thìa canh sa tế, một thìa cà phê mắm ruốc hoặc mắm tép lên mặt bánh rồi dàn ra thật đều.
Nướng thêm khoảng 1 phút cho bánh tráng nóng và phần rìa bánh cong lên, rồi bạn lấy 2 quả trứng cút hoặc 1 quả trứng gà đập lên mặt bánh. Bạn nhanh tay dùng thìa để đánh tan trứng và dàn đều sao cho trứng phủ khắp mặt bánh nhưng không bị chảy ra bên ngoài.
Vừa dàn trứng, bạn vừa xoay tròn bánh tráng để lửa làm chín đều mặt bánh và trứng.
Khi trứng khô lại một chút, bạn tiếp tục cho tép khô và hành khô, rắc đều mặt bánh. Bạn có thể thay thế tép khô bằng ruốc hoặc xúc xích cắt nhỏ cũng được.
Sau khoảng 1-2 phút nữa là trứng chín, bạn rưới đều tương ớt và mayonnaise lên mặt bánh. Tùy vào khẩu vị mà bạn sẽ cho nhiều hay ít nhé.
Sau khi nướng xong, bạn để nguyên hoặc gấp đôi lại để thưởng thức. Bạn có thể dùng ăn như một món ăn nhẹ xế chiều hay làm snack khi xem phim tại nhà cùng gia đình và bạn bè, sẽ tuyệt vời lắm đây.
Miếng bánh tráng nướng nóng hổi, phần đế bánh giòn tan, phần nhân phía trên thơm lừng, các thành phần kết hợp với nhau hài hòa, hấp dẫn. Vị bùi béo của trứng cút, đậm đà của tép khô, cay cay của sa tế và thơm lừng của mắm ruốc, hành phi sẽ làm bạn không thể cưỡng lại món bánh vô cùng hấp dẫn này. Cắn một miếng rồi là chỉ muốn cắn ngay thêm miếng nữa.
Bên cạnh đó, bánh là sự kết hợp của đa dạng sắc màu, từ màu vàng tươi của trứng, vàng đậm của hành khô đến màu đỏ cam của tép, đỏ tươi của tương ớt, điểm xuyết thêm màu xanh của hành lá cùng với lớp sốt màu trắng. Trông không khác gì một tác phẩm nghệ thuật sinh động đúng không nào!
Rất nhiều bạn hỏi mình món bánh tráng làm ra phần đế không được giòn mà hay bị mềm và ỉu. Tại sao lại như vậy?
Điều bạn cần lưu ý ở đây là trước khi cho các nguyên liệu lên mặt bánh, bạn phải nướng sơ qua bánh tráng một chút cho nóng và giòn nhẹ để khi cho trứng vào, phần bánh không bị ngấm nước gây ỉu và mềm bánh.
Bên cạnh đó, nướng than cũng đòi hỏi sự khéo léo trong việc căn chỉnh nhiệt độ vì lửa than rất khó điều chỉnh nên bánh dễ bị cháy.
Trong quá trình nướng bánh và cho các nguyên liệu, bạn đồng thời phải dùng tay xoay bánh liên tục và đều tay để các phần bánh ở các góc khác nhau cùng nhận được nhiệt vừa đủ.
Phía trên, mình đã chỉ cho các bạn cách làm bánh tráng nướng bằng than. Cách này sẽ giúp miếng bánh tráng của bạn được giòn ngon, thơm mùi nướng của than củi. Tuy nhiên, nếu nhà bạn không có sẵn than và bếp nướng, bạn có thể thay thế bằng chảo chống dính hoặc bếp hồng ngoại.
Với chảo chống dính, bạn đảm bảo lòng chảo thật khô và nóng đều trước khi cho bánh vào. Bạn để lửa vừa và cho các nguyên liệu lên mặt bánh. Sau đó, bạn giảm lửa xuống một chút để bánh có thời gian chín và đế bánh giòn hơn, tránh bị cháy bánh.
Nếu dùng bếp hồng ngoại, bạn hãy lau thật sạch mặt bếp và làm nóng bếp. Sau khi bếp đã nóng, bạn hạ nhiệt thật nhỏ, rồi để miếng bánh tráng trực tiếp lên bếp. Bạn thực hiện các bước tương tự như trên.
Với hai cách này, việc điều chỉnh lửa sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên thành phẩm sẽ không được giòn như khi bạn dùng than nướng đâu nha. Nhưng trong điều kiện không cho phép và có thể tiết kiệm thời gian thì với cách này, món bánh tráng cũng đã tuyệt vời lắm rồi.
Vậy là, không cần phải đến tận Đà Lạt, bạn cũng có thể tái hiện lại món ăn này ngay tại căn nhà của mình cho những người thân yêu. Và chắc hẳn họ sẽ ngạc nhiên về “tài nghệ” nấu nướng của bạn lắm đấy.
Bánh tráng nướng xuất hiện đầu tiên ở Đà Lạt, là món ăn vặt từ những gánh hàng nhỏ ven đường. Không ai biết chính xác món ăn này xuất hiện từ bao giờ, hay ai là người đã nghĩ ra công thức và cách làm. Chỉ biết rằng nó dường như sinh ra để dành cho vùng đất thơ mộng này. Thưởng thức chiếc bánh nóng hổi vừa nướng trên tay ngay dưới cái se lạnh của thời tiết là một điều sung sướng khó tả.
Ban đầu, bánh tráng nướng chỉ đơn giản là bánh tráng được nướng với mỡ hành và ăn kèm cùng tương ớt mà thôi. Sau này, khi cuộc sống phát triển hơn, nhu cầu mọi người cũng cao hơn thì người bán đã sử dụng sự sáng tạo của mình để thêm vào nhiều nguyên liệu khác, hấp dẫn và đa dạng hơn như: xúc xích, lạp xưởng, phô mai, khô bò,…
Không chỉ dừng lại với việc biến tấu món ăn trở nên hấp dẫn hơn, mà qua thời gian, món bánh tráng nướng cũng trở thành gương mặt thân quen trên nhiều vùng miền khác nhau. Nó đã len lỏi và có mặt trên nhiều đường phố, con ngõ để chiều lòng những thực khách sành ăn. Và ngày nay, bánh tráng nướng còn được nhiều bạn bè khắp nơi gọi với cái tên thân thương “Pizza Việt Nam”.
Chúng ta có thể thấy các du khách nước ngoài cũng vô cùng hứng thú với món ăn này. Cụ thể, một đoạn clip ngắn của đài truyền hình EBS Hàn Quốc đã ghi hình và giới thiệu món bánh tráng nướng Đà Lạt với thái độ thích thú cùng rất nhiều những lời khen ngợi.
Theo trang báo New York Eater, bánh tráng nướng được nhắc đến là một món ăn được phục vụ tại một nhà hàng ở New York với cách chế biến khá kỳ công nhưng vẫn phù hợp với khẩu vị tinh tế của người Việt. Thật tự hào phải không nào các bạn ơi!
Vậy tại sao không tập tành làm bánh tráng nướng để trổ tài cho bạn bè muôn nơi? Làm ngay và chia sẻ với Thật Là Ngon nhé!
*Ảnh: Nguồn Internet