Món bánh không thể thiếu trong ngày tết Hàn thực
Bánh trôi thì không có gì xa lạ nhưng hôm nay Thatlangon xin chia sẻ cách làm bánh trôi ngũ sắc hấp dẫn cùng cách chuẩn bị bột nếp tươi thật là chuẩn. Các bạn cùng đọc xem nhé!
Bánh trôi đã có từ rất lâu và luôn được mọi người yêu thích. Và đặc biệt là vào ngày tết Hàn thực 3/3 âm lịch mỗi năm, mỗi nhà đều nhất định có đĩa bánh trôi.
Món ăn có lớp vỏ ngoài màu trắng dai dai hòa quyện vào phần nhân đường ngọt ngào và thơm thơm. rất thích thú.
Nhưng ngày nay, đĩa bánh trôi không đơn thuần chỉ có một màu trắng thường thấy. Cứ mỗi dịp 3/3 nhà nhà người người lại "khoe" nhau những đĩa bánh trôi nhiều màu sắc vô cùng hấp dẫn.
Do vậy, hôm nay chúng mình cũng sẽ mang đến cho bạn công thức bánh trôi không chỉ có màu trắng truyền thống mà còn thêm các màu sắc khác để bạn cũng dễ dàng làm ra những đĩa bánh trôi ngũ sắc xinh đẹp này.
Vào bếp ngay cùng Thật Là Ngon nào!
Bột nếp và bột tẻ bạn cho ra 1 thau lớn cùng 1 ít muối rồi trộn đều. Sau đó, bạn cho từ từ nước ấm vào phần bột và nhồi thành khối bột dẻo mịn, không còn bột dính vào âu. Do khả năng hút nước của mỗi túi bột là khác nhau nên bạn nên cho nước vào từng ít một và nhồi để tránh làm bột bị nhão.
Sau khi bạn đã nhồi bột xong, thì dùng màng bọc thực phẩm bọc kín thau bột lại. Và bạn ủ bột như vậy trong 30 phút.
Đối với món bánh trôi miền Bắc này thì thường có pha bột nếp và một chút bột tẻ như công thức để bánh có độ giòn hơn và bánh làm ra sẽ đứng đẹp hơn. Tuy nhiên nếu thích bánh mềm dẻo bạn có thể sử dụng hoàn toàn là bột nếp như khi làm bánh trôi nước miền Nam.
Bên cạnh màu bánh trắng, chúng mình gợi ý bạn cách làm 4 màu bánh khác là mình có ngay đĩa bánh trôi ngũ sắc rồi. Bạn có thể làm nhiều hơn nếu muốn.
Để tạo màu, lá dứa bạn rửa sạch cắt khúc. Củ dền bạn gọt bỏ vỏ, cắt nhỏ. Bạn cho riêng mỗi thứ vào máy xay sinh tố cùng với nước và xay nhuyễn. Sau đó bạn sẽ lọc bỏ bã để thu được phần nước màu.
Hoa đậu biếc bạn ngâm trong nước sôi trong 15 phút để thu được màu xanh lam.
Lá cẩm bạn rửa sạch và nấu trong 15 phút để thu được màu tím.
Sau khi thu được đủ các loại màu, bạn sẽ tiến hành nhồi bột giống như khi làm bột màu trắng. Bạn cho mỗi màu vào mỗi phần bột và cũng nhồi cho đến khi có được khối bột mịn và dẻo. Và bạn cũng ủ bột trong 30 phút nhé.
Các phần bột này bạn cũng có thể sử dụng để làm bánh trôi nước hoặc bánh chay nhé.
Ngoài các màu trên bạn còn có thể làm màu vàng từ hạt dành dành, nước ép cà rốt hay bí đỏ, màu nâu với chút bột ca cao... Và từ các màu trên bạn cũng có thể thay đổi độ đậm nhạt của nước màu thì cũng sẽ làm ra vô vàn màu sắc khác.
Bây giờ phần bột cũng đã ủ xong. Bột sau thời gian ủ sẽ dẻo hơn, dai hơn. Và lúc này chúng ta sẽ chuẩn bị gói nhân cho bánh.
Phần nhân đường phên bạn nên mua loại đã cắt viên sẵn cho tiện nhé. Còn nếu không thì bạn sẽ mua loại to và về tự cắt viên nhỏ ra.
Bạn đem bột ra vo thành từng viên tròn. Sau đó bạn ấn 1 lỗ ở giữa phần bột có kích thước bằng với viên đường phên.
Bạn cho viên đường vào lỗ vừa tạo, và khéo léo nặn sao cho phần bột bao kín hết phần nhân rồi vo lại thành viên cho thật tròn. Sau khi bạn nặn bánh xong thì bạn cho ra khay có phủ 1 ít bột để bánh không dính xuống khay. Và bạn cũng để rời từng viên bánh ra để chúng không dính lại với nhau nhé.
Bạn nấu sôi 1 nồi nước và thả các viên bánh trôi vào để luộc chín.
Bạn nấu đến khi nào bạn thấy các viên bánh nổi lên trên thì có nghĩa là bánh đã chín. Bạn vớt bánh ra và cho vào thau nước sôi để nguội. Bạn sử dụng nước sôi để nguội vì khi vớt bánh ra sẽ ăn luôn nên bạn phải sử dụng nước sạch nhé.
Bạn làm lần lượt cho đến khi hết các loại bột màu nhé. Bạn nhớ thay nước mỗi lần để tránh các màu bị lẫn với nhau.
Ăn bánh trôi thì không thể thiếu được mè rang. Mè bạn rang trên chảo với lửa nhỏ. Bạn đảo liên tục cho đến khi nghe tiếng nổ lách tách thì tắt bếp ngay. Bạn vẫn tiếp tục đảo thêm 5 phút nữa để mè không bị cháy nhé.
Bánh trôi bạn vớt ra cho vào dĩa, rắc thêm mè rang lên trên và thưởng thức ngay thôi nào.
Từng chiếc bánh nhỏ xinh. Phần vỏ mịn màng và màu sắc vô cùng bắt mắt. Ăn vào phần nhân đường ngọt ngào thơm phức mùi mật mía thích ơi là thích.
Bạn có thể ăn bánh trôi ngay nhưng thường bánh trôi được ăn nguội. Thời gian để nguội cũng là lúc phần viên đường bên trong chảy mềm nên khi ăn mật đường sẽ dễ dàng hòa quyện vào với bánh hơn.
Ngoài bột nếp mua sẵn, nếu có thời gian, bạn làm bột nếp tươi để làm bánh trôi là ngon nhất.
Bạn chọn loại nếp cái hoa vàng để làm là chất lượng nhất. Cứ 1 kg nếp bạn sẽ sử dụng để xay cùng 3 lít nước nhé. Nếu bạn nào muốn bánh có độ giòn hơn thì cho thêm bột tẻ vào. Cứ 800 g gạo nếp thì trộn cùng 200 g gạo tẻ là được.
Gạo nếp bạn rửa sạch rồi ngâm trong 12 tiếng để gạo mềm. Sau đó bạn cho gạo và nước vào máy xay sinh tố và xay cho thật nhuyễn.
Tiếp theo bạn sẽ đổ nước gạo xay ra nồi lớn có lót sẵn một tấm vải lớn. Khi nước đã chảy bớt xuống dưới rồi thì bạn buộc túm khăn lại và treo lên chỗ cao và thoáng mát. Ở dưới túi bột, bạn dùng nồi khi nãy để hứng lấy nước nhỏ xuống.
Bạn cứ để cho nước bột tự động chảy xuống hết như vậy cho đến khi bột khô nước nhưng vẫn còn độ dẻo đẻ có thể nặn bánh luôn. Bánh trôi bánh chay làm từ bột nếp tươi sẽ thơm hơn, lại có một chút vị chua rất nhẹ từ bột lên men trong lúc để ráo. Bạn cứ thử làm mà xem, mùi vị bánh khác hẳn làm từ bột khô luôn.
Ngoài ra bạn cũng có thể làm nhiều và phần bột không dùng đến thì bạn sẽ để róc thật kiệt nước, thành khối bột khô và chắc. Sau đó bạn sẽ bẻ khối bột ra thành từng miếng nhỏ và đem phơi nắng khoảng 2 ngày để bột khô hẳn. Bột khô rồi thì bạn cho vào hũ, đậy kín nắp và để ở nơi khô thoáng. Khi nào cần dùng thì bạn chỉ việc cho nước vào và làm như bình thường là được rồi.
Ngoài hình dạng tròn truyền thống, bạn còn có thể tạo thêm nhiều hình cầu kỳ và độc đáo hơn. Mình sẽ chia sẻ vài cách tạo hình đơn giản để bạn có thể làm theo nhé.
Tạo hình xinh xắn và dễ làm nhất là hình bé heo xinh xắn. Bạn tạo phần bột có màu tùy ý rồi khéo léo nặn hình 2 hình đôi tai, mũi tròn và dùng 2 hạt mè đen làm mắt cho heo. Để kết dính bạn quét ít nước lên phần bột cần đính vào nhé.
Hay bạn có làm bánh hình chân gấu xinh xắn thế này. Chỉ cần ráp nhiều hình bánh trôi với hình dạng nhỏ to khác nhau lại với nhau. Thêm 1 lớp bột khác màu ở giữa mỗi viên bánh nữa là hoàn thành rồi.
Bạn cũng có thể làm bánh trôi thành hình trái cây với tạo hình siêu giống như thế này. Chỉ là cách phối màu sao cho giống, thêm chút khéo léo tạo hình phần cuống ở trên nữa là làm được thôi.
Và tùy vào khả năng sáng tạo và khéo léo mà bạn còn có thể tạo ra nhiều hơn những chiếc bánh trôi có hình thù độc đáo hơn thế nữa.
Vài kiểu rất hay ho nữa để bạn có thể tham khảo nè:
Bánh trôi chiên ăn rất ngon, nếu bạn nào đã ăn rồi thì chắc sẽ muốn ăn lại lần 2, lần 3. Bạn sẽ có 2 cách làm bánh trôi chiên. Đó là bánh trôi chiên xù và chiên mè nhé.
Bạn đập 2 quả trứng và khuấy tan ra. Bạn nhúng từng viên bánh trôi đã luộc chín vào trứng, và lăn qua bột chiên xù hoặc mè nha. Sau đó, bạn lại nhúng qua trứng lần nữa, rồi lại lăn qua bột xù hoặc mè. Chúng ta làm 2 lần thì bột xù hay mè sẽ phủ kín hết được bánh, chiên xong sẽ ăn ngon hơn.
Bạn chiên bánh với lửa vừa cho đến khi bánh vàng giòn là được. Do bánh đã chín rồi nên bạn đừng chiên lâu quá nhé, sẽ làm bánh bị cứng.
Bánh trôi là món bánh truyền thống với lớp vỏ trắng mịn. Nhưng với sự sáng tạo, bạn hãy tự làm những viên bánh trôi với hình dáng thật độc đáo để đãi cả nhà nhé.
Chúc các bạn thành công!
*Ảnh: Nguồn Internet