Món ăn thân thuộc của bao thế hệ người Việt Nam.
Chả giò là món ăn quá đỗi thân thuộc của người Việt Nam. Cách làm chả giò rất phong phú và mang bản sắc vùng miền.
Người miền Bắc thích ăn nhân thịt lợn, nhiều rau củ, vỏ cuốn bằng bánh tráng mỏng hoặc vỏ nem rế và chả giò hay được người miền Bắc gọi là nem hơn. Còn người miền Nam thích ăn nhân trộn thêm các loại hải sản, khoai môn và vỏ được cuốn bằng vỏ bánh tráng pía. Nước chấm chả giò của người miền Nam thường ngọt hơn, cay hơn một chút và có nơi, họ còn làm sốt chấm dạng sệt.
Khi được rán lên và bày lên đĩa, màu vàng hấp dẫn của lớp vỏ và mùi thơm của phần nhân chín sẽ đem lại cảm giác lôi cuốn cho mọi người. Ai nấy đều muốn được thưởng thức ngay món ăn này.
Nếu bạn là người sành ăn, hẳn là bạn đã từng thưởng thức nhiều loại chả giò khác nhau. Nhưng cũng sẽ không tránh khỏi những lần ăn chả giò cảm thấy không vừa miệng. Để khắc phục tình trạng này, tại sao bạn không tự tay làm món chả giò nhỉ?
Nếu bạn muốn làm món chả giò chuẩn vị, thưởng thức ngay tại nhà thì bài viết sau của Thật Là Ngon sẽ hướng dẫn cách làm chả giò đơn giản, dễ thực hiện nhé!
Khâu lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng khi chế biến chả giò. Bởi món ăn này gồm nhiều loại thịt, rau, củ, gia vị trộn lẫn với nhau. Từng nguyên liệu được lựa chọn kỹ, tươi sống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tạo nên chả giò thơm ngon, an tâm khi thưởng thức.
Bạn chọn mua vỏ nem rế hoặc bánh tráng pía theo sở thích nhé. Chúng có bán sẵn ở cửa hàng đồ khô, tiệm tạm hóa và trong siêu thị nên rất tiện để bạn mua. Lớp vỏ này có tác dụng bao bọc, cố định phần nhân bên trong. Khi được rán lên, lớp vỏ nhai giòn giòn đem lại cảm giác ngon miệng, thơm ngầy ngậy. So với vỏ nem rế thì bánh tráng pía bề ngoài dày hơn, khi rán lên sẽ đậm màu hơn, giòn hơn.
Đối với thịt heo, bạn chọn mua phần nạc vai nhé. Phần này khá dày dặn, ngọt, không quá nạc cũng không quá mỡ. Bạn rửa sạch rồi băm nhuyễn. Bạn có thể xay bằng máy xay nhé, nhưng cần chú ý không xay thịt mịn quá.
Bạn chọn mua tôm tươi sống. Sau khi mua về, bạn bóc vỏ, loại bỏ phần đầu, đuôi, sống lưng rồi rửa sạch. Bạn băm nhỏ tôm cỡ bằng hạt lạc, rồi ướp 1 chút muối để tôm sống không bị ươn. Không nên băm nhỏ tôm quá để sau này khi rán, có thể thấy rõ miếng tôm trắng giòn. Nếu bạn sử dụng tôm khô thì ngâm tôm khoảng 30 phút rồi sửa sạch và băm nhỏ nhé.
Miến dong, mộc nhĩ, nấm hương trước khi sử dụng, bạn kiểm tra ngoại quan nhé. Đồ khô này nếu có mốc, mọt thì bạn không nên sử dụng đâu. Bạn rửa sạch rồi ngâm một lát cho mềm. Sau đó, bạn thái nhỏ phần mộc nhĩ và nấm hương. Còn miến dong, bạn thái dài chừng 2 cm nhé.
Đối với cà rốt, củ đậu, hành tây, hành lá, giá thì bạn bỏ vỏ, bỏ rễ rồi rửa sạch, để ráo nước. Bạn thái sợi cà rốt, củ đậu còn hành tây, hành lá thì bạn thái nhỏ cỡ hạt đậu. Giá thì bạn chỉ cần dùng tay vò 2,3 lần cho mềm và bớt nước thôi nhé.
Mình khuyên các bạn nên thái rau củ nhé. Nếu đem xay thì khi trộn nhân chả giò, chúng sẽ bị nát và chảy nước. Hơn nữa, hình dạng rau củ thái ra, sẽ được nhìn rõ trong chả giò sau khi rán trông rất ngon miệng và thú vị. Nhiều người tò mò họ sẽ đoán xem nhân chả giò bạn làm gồm những thành phần gì mà ngon thế?
Trong chả giò của người miền Nam còn có khoai môn thái sợi rồi đem chiên vàng lên để cho vào nhân, giúp đem lại bị bùi, thơm cho chả giò. Nếu thích thì bạn có thể chuẩn bị thêm khoai môn nhé.
Bạn chuẩn bị một chiếc bát hoặc âu trộn rồi cho tất cả các nguyên liệu thịt, rau, củ đã cắt nhỏ ở trên vào trong đó. Rồi bạn cho các loại gia vị hạt nêm, bột ngọt, tiêu vào âu trộn.
Bạn thêm 2 quả trứng nữa, bao gồm cả lòng trắng và lòng đỏ. Trứng sẽ giúp kết dính nguyên liệu và giúp phần nhân mềm hơn. Khi rán xong nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy trứng bám lấm tấm vào các mảnh nhân bên trong.
Bạn trộn đều hỗn hợp lên bằng đũa hoặc bằng tay đeo găng tay nilon nhé. Cần lưu ý trộn đến khi nhân tơi, đều thôi bạn nhé! Tránh trộn kỹ quá làm nát nguyên liệu, phần nhân sẽ bị chảy nước đấy. Nếu thấy nhân còn rời rạc, khô thì bạn có thể trộn thêm 1 quả trứng nữa.
Sau khi trộn xong, bạn để nghỉ khoảng 5-10 phút để nhân ngấm gia vị nhé.
Trước khi cuốn chả giò, bạn sờ tay vào phần vỏ để kiểm tra độ mềm. Nếu thấy hơi khô thì bạn bôi 1 lớp nước đã pha dấm lên vỏ nhé. Nước pha dấm vừa giúp làm mềm phần vỏ, vừa làm cho chả giò giòn hơn sau khi rán nữa.
Cuốn chả giò thì chắc các bạn hay nấu nướng không có gì xa lạ rồi nhưng với những bạn lần đầu vào bếp thì cũng cần chút khéo léo để chả giò đươc đều đẹp, không vỡ, bung nhân khi rán.
Để cuốn chả giò thì bạn thực hiện lần lượt theo từng bước như sau nhé:
Lưu ý, bạn úp phần mép vỏ xuống dưới để chả giò đã cuốn không bị bung ra nhé. Lớp vỏ sẽ tự dính vào nhau. Nếu không dính thì bạn quết lớp nước dấm mỏng nhé.
Bạn gói chả giò lần lượt đến khi hết phần nhân. Rồi đặt các cuộn chả giò đã cuộn vào đĩa hoặc khay đựng. Bạn chú ý đừng để quá lâu nhé, không cẩn thận lớp vỏ sẽ bị mềm, dính vào đĩa/khay rồi bong ra đấy.
Bạn đặt chảo lên bếp và đổ dầu ăn từ từ nhé. Bạn ước chứng lượng dầu ăn ngập ít nhất nửa cái chả giò để rán giòn, nhanh chín nhé.
Có một bí quyết để tránh dầu ăn nóng bắn lên khi rán, bạn tham khảo để áp dụng nhé. Bạn chà chanh vào đáy chảo khoảng một phút trước khi đổ dầu ăn và bỏ một lát chanh tươi vào chảo khi dầu đã nóng.
Khi dầu ăn đã nóng, bạn dùng đũa gắp từng chiếc chả giò vào chảo. Bạn đừng xếp nhiều chả giò quá trong một lần rán nhé. Bạn xếp cách nhau ra để chúng không dính vào nhau và dầu nóng tiếp xúc hết các mặt để chả giò chín đều.
Bạn lấy đũa lăn chả giò trên chảo để làm cho hình dáng của chả giò tròn hơn. Nếu bạn chỉ đặt chả giò vào chảo rồi để như vậy cho tới khi vàng một mặt rồi mới lật mặt kia rán tiếp thì chả giò sẽ bị bẹp, không đẹp mắt.
Theo kinh nghiệm thì chả giò rán hai lửa sẽ giòn hơn. Vậy nên, khi lần đầu rán, lớp vỏ có màu vàng nhạt thì bạn gắp ra, để nguội rồi lát sau rán lần hai hoặc lưu trữ trong hộp kín để dùng dần.
Ở lần rán thứ hai, bạn rán đến khi chả giò có màu vàng nâu, gắp lên có cảm giác giòn giòn. Rán ở lửa hai thì không cần cho nhiều dầu ăn đâu bạn nhé. Bạn gắp chả giò vào khay thủng để ráo mỡ hoặc để vào khay lót giấy thấm dầu nhé.
Chả giò ngon chuẩn vị là khi trông thấy, chúng ta chỉ muốn thưởng thức ngay lập tức. Lớp vỏ vàng giòn rụm, bóng bẩy cùng với phần nhân đan xen vị ngọt của thịt, của rau củ chắc chắn sẽ thỏa mãn vị giác của cả người chế biến và người ăn.
Chế biến chả giò hoàn hảo nhất định phải pha nước chấm loại ngon rồi! Mình hướng dẫn bạn cách pha cơ bản nhé.
Bạn hòa tan nước mắm, đường trắng, dấm vào nước ấm với tỉ lệ 1:1:1:5. Rồi bạn cho thêm tỏi băm, ớt băm, tiêu đen vào. Bạn nêm nếm lần nữa để để điều chỉnh độ chua mặn ngọt theo sở thích nhé.
Bạn có thể dùng nước đun sôi để nguội cũng được nhưng nước ấm sẽ giúp nguyên liệu tan nhanh hơn khi khuấy và giúp tỏi tiết ra tinh dầu nhiều hơn.
Nếu thích chấm nước chấm đặc và ngọt một chút thì bạn thêm đường và bớt nước đi nhé.
Chả giò là một món ăn chính đầy đủ chất dinh dưỡng và có sắc vàng đẹp mắt. Khi được bày trong mâm cơm sẽ đem đến cảm giác đầy đặn, kích thích vị giác. Món ăn hợp với khẩu vị của không chỉ người lớn mà các em nhỏ cũng dễ dàng ăn chả giò vì lớp nhân mềm, ngọt và lớp vỏ thì giòn giòn thích thú.
Một sự kết hợp rất chuẩn vị được nhiều người yêu thích. Đó là chả giò ăn kèm với bún, rau sống và dưa món. Bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị món ăn cải thiện này cho gia đình đâu.
Nước chấm chua ngọt ăn cùng với bún rối, chả giò giòn rụm, rau sống thanh đạm, dưa góp giòn thật là ngon hết ý.
Nhắc tới chả giò có nhiều người nghĩ ngay đến cỗ bàn, lễ Tết,… Bởi món ăn này quá đỗi quen thuộc rồi mà. Trong những bữa cơm đãi khách, tụ tập đông người thì chả giò luôn hiện diện. Chả giò tượng trưng cho sự cầu kỳ, chăm chút của người nội trợ khi thiết đãi gia đình và bạn bè món ăn ngon.
Rất nhiều bạn khi có kế hoạch tụ tập họ hàng, bạn bè, khi chế biến món ăn ngày Tết thì cứ phân vân không biết làm món gì đây?
Mình gợi ý một số món ăn truyền thống, dễ chế biến để các bạn làm nhé: xôi xéo, xôi gấc, nộm hoa chuối, thịt kho tàu, gà rang muối,… Những món ăn này với cách làm chi tiết được Thật Là Ngon chia sẻ, hi vọng sẽ giúp các bạn đơn giản hóa việc nấu ăn phần nào.