Vị chè Thái nguyên bản
Trong ngày Tết cổ truyền Songkran, người Thái có những lễ nghi cúng bái và các món ăn được nấu theo công thức truyền thống khá cầu kỳ. Ngay đến món chè Thái quen thuộc cũng được nấu theo một cách rất kỳ công.
Trong tiếng Thái, Lod Chong (ลอดช่อง) có nghĩa là “chui qua lỗ”. Tại sao món chè truyền thống nổi tiếng này lại có một cái tên kỳ cục thế nhỉ?
Hãy cùng Thật Là Ngon tìm hiểu xem chè Lod chong - chè Thái “real” khác gì với món chè Thái thường thấy ở Việt Nam và ý nghĩa tên của món chè này nhé!
Tương tự Việt Nam, người Thái rất hay dùng nước dừa cho các món chè. Tuy nhiên, thay vì dùng nước cốt dừa để rưới, người Thái sẽ nấu nước dừa với đường (thường sẽ dùng đường thốt nốt) tạo thành “nước dùng” cho các món chè.
Để có được nước dừa thơm ngon, đượm vị béo bùi, các bà nội trợ Thái thường sẽ tự nạo cơm dừa tươi, mang đi hấp chừng 15 phút rồi xay nhuyễn với nước dừa. Sau đấy người ta dùng khăn mùng sạch lọc vắt lấy nước cốt. Tuy nhiên, nếu bạn không có sẵn dừa tươi thì có thể dùng nước cốt dừa đóng hộp để thay thế.
Nước cốt dừa sau khi vắt ra, bạn đổ vào nồi, thêm đường và muối, đun trên lửa nhỏ liu riu. Nhớ bó vài chiếc lá nếp thả vào để tăng mùi thơm cho nước dừa nha.
Trong quá trình đun nước dừa, bạn nhớ khuấy nhẹ tay, tán cho đường tan hết. Bạn lưu ý khi nước dừa vừa sôi sủi tăn lên thì tắt bếp ngay nhé. Nếu để nước dừa quá lửa sôi bùng lên, thể nào cũng bị tách béo thành óc đậu sẽ mất ngon.
Sau khi tắt bếp, bạn đốt cuống hương xông, để vào chiếc đĩa nhỏ, thả vào nồi nước cốt dừa và đậy vung kín chừng 15 - 20 phút là vừa thơm. Bạn nào muốn ướp mùi đậm thêm thì trước khi dùng có thể ướp hương thêm 1 lần nữa.
Xông hương là một trong những bí quyết nấu nướng truyền thống của người Thái. Phương pháp này sẽ tạo ra một mùi hương đặc trưng rất khó lẫn cho các món chè và quà bánh của Thái.
Thời gian xông càng dài, mùi hương sẽ càng đậm. Mùi này sẽ hơi nồng tí chút với những người ngửi thấy lần đầu nhưng ai thích thì sẽ rất nghiện luôn í.
Loại hương dùng để xông này là một phụ gia rất đặc biệt trong ẩm thực Thái, nếu có dịp tớ sẽ nói sâu hơn. Ở Việt Nam hơi khó để kiếm được loại hương xông này, nên nếu không tìm được bạn có thể bỏ qua bước ướp hương nước dừa.
Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại hoa mùi đậm như nhài ta, nhài leo, dành dành… thả vào nước dừa để tạo mùi thay cho hương xông. Ướp hương hoa thì sẽ cho mùi nhẹ nhàng, tươi mới và dễ chịu hơn. Cách này sẽ khá hợp với những bạn bị mẫn cảm với mùi hương đậm.
Chuẩn bị xong nước dừa, ta bắt tay làm sợi lod chong nhé.
Để sợi lod chong giòn dai sần sật, nhà tớ sẽ xay lá dứa cùng nước vôi trong rồi lọc lấy nước cốt màu xanh. Nhà bạn nào không thích dùng nước vôi thì có thể tăng tỉ lệ bột năng và bột khoai lên. Tùy vào tỉ lệ các loại bột sẽ cho ra sợi lod chong có độ dẻo dai khác nhau.
Tùy vào độ sẵn sàng về dụng cụ bếp, bạn có thể chọn cách làm sợi bột khô tương tự như cách làm chè thái mà Thật Là Ngon đã hướng dẫn lần trước. Ưu điểm của cách này là bạn có thể làm sợi lod chong nhiều một tí rồi chia phần nhỏ trữ sẵn trong tủ lạnh, để tiết kiệm thời gian trong những lần nấu chè sau.
Cách thứ hai là bạn làm sợi lod chong từ bột tươi. Nước lá dứa sau khi lọc vắt, bạn đổ từ từ vào âu bột, khuấy cho bột tan hết. Màu sợi lod chong đậm hay nhạt tùy thuộc vào lượng nước lá dứa bạn cho vào.
Tuy nhiên, để không phải cho quá nhiều nước lá dứa khiến sợi lod chong bị nhẫn đắng, bạn nên chọn mua lá dứa già một tí (lá to, màu đậm) thì sẽ cho màu sợi vừa đẹp.
Pha bột xong, bạn dùng rây lọc đong bột vào nồi, rồi bắc lên bếp, đun trên lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi bột sệt đặc lại. Khi múc lên bột có độ sánh kéo sợi và màu chuyển sang trong trong nghĩa là bột chín rồi đấy.
Bạn chuẩn bị một âu nước đá lạnh, đổ bột vào khuôn ép sợi, ép bột xuống âu nước đá. Bước này sẽ giúp sợi lod chong săn lại và không bị dính vào nhau. Bạn ngâm sợi chừng 5 – 7 phút thì vớt ra để ráo.
Nếu nhà không có sẵn khuôn ép sợi, bạn có thể “chữa cháy” bằng cách dùng túi nilon cắt góc như kiểu túi bắt kem để “ép” sợi lod chong nha.
Ngoài màu xanh lá nếp truyền thống, bạn có thể “thay áo” sợi lod chong bằng các màu tự nhiên từ hoa đậu biếc (màu tím – xanh), hạt dành dành (màu vàng), củ dền (màu hồng – đỏ),… để món chè của chúng mình trông bắt mắt hơn nhé!
Chuẩn bị xong đâu đấy thì đến lúc cùng nhau thưởng thức thành quả thôi!
Bạn múc sợi lod chong vào bát, cho thêm ít đá bào rồi chan “nước dùng”, thế là bát chè lod chong đã sẵn sàng rồi. Nếu thích bạn có thể chuẩn bị thêm các topping như dưa lưới, mít, hạt đác, sợi dừa khô, hạt trân châu,… để thêm vào tùy thích nhé!
Nguồn gốc của lod chong vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho nguồn gốc và cái tên khá đặc biệt của món ăn này.
Tuy nhiên phần đông mọi người đồng ý rằng lod chong (Thái Lan), cendol (Singapore, Malaysia) hay chè bánh lọt (Việt Nam) bắt nguồn từ món giải khát đường phố có tên là Dawet trên đảo Java (Indonesia).
Nguyên bản, Dawet là một món giải khát đựng trong những chiếc giỏ pikulan, được bán ở những gánh hàng rong kiểu tào phớ ngày xưa và được phục vụ nóng. Toppings thường có đậu đỏ ngào và ngô ngọt. Về sau này, khi nước đá theo chân người phương Tây du nhập vào Java thì dần dà Dawet có thêm phiên bản lạnh.
Một điều khá thú vị nữa là ở Java, gánh hàng Dawet được xem là nét văn hóa đặc sắc trong các đám cưới bản địa. Người dân ở đây tin rằng, lượng Dawet bán ra càng nhiều tượng trưng cho những lời cầu chúc đời sống sung túc hạnh phúc đối với cô dâu chú rể.
Hiện nay, chính phủ Indonesia đã công nhận Dawet là tài sản văn hóa phi vật thể của đất nước. Trong khi đó Malaysia thì chỉ định cendol là món ăn di sản của nước này.
Những “cuộc chiến” giành bản quyền của lod chong vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết.
Thực hư nguồn gốc thế nào chưa ngã ngũ nhưng tuyệt nhất là nhờ đó, người ta quan tâm hơn đến tầm quan trọng của việc lưu giữ những nét truyền thống trong ẩm thực hè phố.
Về ý nghĩa tên lod chong trong tiếng Thái hay bánh lọt trong tiếng Việt mình, đơn giản đều là để chỉ phương pháp làm ra sợi chè xanh của món quà vặt này thôi.
Ngoài làm chè, sợi lod chong được người Thái dùng làm nguyên liệu để biến tấu cho kha khá món quà vặt hấp dẫn khác như rau câu lod chong, trà sữa lod chong, bingsu lod chong hay bánh gato lod chong…
Từ những chia sẻ cách làm chè lod chong của Thật Là Ngon hôm nay, chúng tớ hy vọng sẽ nhận được thêm những món biết tấu “made by you” đặc sắc từ bạn. Đừng quên thả nhẹ dăm chiếc like và comment cho chúng tớ trên các nền tảng facebook và instagram nhaaaa!
lúc trước mình đc bạn dẫn đi ăn tại 1 quán lề đường nào đó món này rất ngon nhưng sau đó quay lại thì người bán đã dời đi chỗ khác, và mình cũng ko biết món đó tên gì để tìm quán khác hay cách nấu tại nhà, nhưng nhờ bài viết này mình đã biết đc món đó, cảm ơn bài viết