Quà vặt cho ngày mưa
Bạn đang thèm các món quà vặt giòn rụm? Tại sao không thử thực hành ngay công thức cách làm cơm cháy mà Thật Là Ngon chia sẻ nhỉ?
Mấy cơn mưa giông tháng Bảy những chiều qua có khiến mọi người nhớ nhung món cơm cháy xốp xốp, giòn rụm hông vậy???
Nói đến cơm cháy, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Ninh Bình. Đây được xem là một trong ba món đặc sản nức tiếng của vùng đất Cố đô, bên cạnh rượu Kim Sơn và dê núi.
Sau dịch COVID-19, tình trạng bình thường mới phần nào khiến việc lên kế hoạch đi du lịch của mọi người có nhiều hạn chế nhỉ? Chưa kể tài chính hậu dịch có thể cũng sẽ là nguyên do khiến tụi mình đắn đo xíu xíu trước quyết định đi tung tăng nữa.
Vậy làm sao để vừa không thấy cuồng chân khi ở nhà, vừa có trải nghiệm đi đó đi đây như ai ai nhỉ? Đây đây đây, hãy cùng vào bếp với team Thật Là Ngon, cùng nhau làm ngay đặc sản Ninh Bình nào!!! Ngày mưa, vừa nhâm nhi đặc sản cố đô vừa du hí… qua màn ảnh nhỏ thì còn gì bằng phải hông?
Nào, bếp ơi chào mi!!!
Đã là đặc sản Ninh Bình thì nếu được bạn nên dùng nếp thơm Hải Hậu để nấu cho đúng vị nha. Nếp Hải Hậu dùng để làm cơm cháy thường là nếp ốc hoặc nếp cái hoa vàng. Trường hợp không có nếp Hải Hậu, bạn có thể dùng nếp Lào thơm cũng được. Những loại nếp này ngoài độ dẻo, thơm có tiếng thì hạt nếp cũng mẩy tròn rất mượt. Khi chiên cơm cháy sẽ phồng đều lên rất đẹp mắt.
Để nếp nhanh mềm khi nấu, bạn nên ngâm nếp trước nhé. Nếu có thời gian, bạn nên ngâm qua đêm cho nếp nở, còn không thì ngâm khoảng 4-6 tiếng cũng được.
Nếp sau khi ngâm, bạn vo sạch để ráo rồi mang đi hấp khoảng 30 phút. Bạn có thể hấp nếp bằng nồi hấp hoặc chõ tre, tuy nhiên nếp hấp bằng chõ tre thì thường hạt sẽ ráo và tơi hơn hấp bằng nồi.
Tiếp đấy, bạn đổ nếp vừa đồ xong ra khay hoặc mẹt, nhớ dàn đều ra cho nếp nhanh nguội nha.
Sau đấy, bạn quét 1 lớp dầu mỏng vào khuôn. Khuôn bạn có thể dùng bất cứ dụng cụ nào có sẵn đều được nhé, ở đây chúng mình dùng đĩa sâu lòng. Nếu bạn muốn làm cơm cháy thành những miếng vừa tay cầm thì có thể tận dụng chiếc muôi ở nhà mình nha.
Khi nếp hơi nguội, bạn đổ nếp vào khuôn hoặc đĩa lớn, dàn đều nhẹ tay sao cho miếng cơm cháy dày khoảng nửa lóng tay (khoảng 1-1,5 cm) là được. Ở bước này, bạn đừng ấn hoặc nén chặt tay quá nha, làm thế hạt nếp sẽ bị bẹt, khi chiên cơm cháy sẽ không phồng lên đẹp được đâu.
Khi xôi đã được định hình theo khuôn thì bạn úp ra mẹt để phơi sấy dưới nắng nhẹ trong vòng 5 tiếng nhé. Bạn có thể để cả miếng to hoặc cắt nhỏ để khi chiên dễ dàng hơn.
Cứ mỗi 1,5-2 tiếng thì bạn lật miếng bánh nếp một lần để hai mặt khô đều nha. Bạn lưu ý tránh phơi bánh nếp dưới nắng gắt, bánh nếp bị phơi già nắng, khi chiên thường bị khô và cứng, ăn sẽ hông ngon lắm đâu.
Nếu nhà có lò nướng, bạn có thể sấy bánh nếp bằng lò để tiết kiệm thời gian và tránh bụi bẩn trong không khí. Bạn sấy bánh nếp tầm 3 tiếng với mức nhiệt 100 ˚C và sau khoảng 1 tiếng rưỡi thì bạn lật mặt bánh nếp lại nha. Thi thoảng trong quá trình sấy, bạn nên mở hé cửa lò cho hơi nước thoát ra ngoài đồng thời để bánh nếp không bị khô quá.
Khi chiên cơm cháy, bạn phải đổ dầu ngập chảo nhé, chờ dầu nóng thì cho cơm vào chiên lần lượt cả 2 mặt. Sau khi cơm cháy chín, phồng đều cả 2 mặt thì bạn vớt ra để ráo dầu.
Vì lượng dầu nhiều nên bạn có thể bỏ vài hạt nếp vào trước để thử xem dầu nóng tới chưa nha. Khi dầu nóng đủ, bạn thả hạt nếp vào thì nó sẽ nở phồng và nổi lên ngay.
Nếu mình bỏ cơm cháy vào chiên khi dầu chưa chín tới thì bánh cơm cháy có thể sẽ bị ám mùi hôi dầu, làm giảm độ thơm ngon hấp dẫn khi ăn đấy.
Thành phẩm ra lò là bánh cơm cháy vàng nhạt nhạt, hạt nếp nở xốp phồng đều, mùi thơm nức mũi bay khắp nhà thì đạt chuẩn nha các đầu bếp!
Món cơm cháy có thể dùng ăn chơi, ăn nhậu đều rất ngon. Bên mâm cơm hàng ngày với các món như kho quẹt, bò kho, sốt vang,... mà có đĩa cơm cháy chấm kèm thì ngon thôi rồi.
Chỉ một chút thêm thắt này thôi mà bạn sẽ "nâng cấp" món cơm cháy về cả hương vị và thành phần dinh dưỡng đó.
Đây là món ăn kết hợp cả hai món đặc sản của Ninh Binh. Dĩ nhiên sẽ là khó khăn nếu phải kiếm cho được thịt dê núi nhưng bạn hãy thử làm loại sốt này với thịt dê mua ở chợ hay siêu thị, Nó cũng ngon không kém đâu ạ!
Ngoài phần cơm cháy thực hiện theo công thức ở trên, để làm sốt thịt dê ăn kèm, bạn chuẩn bị thêm vài nguyên liệu như sau nha: 200 g thịt dê xay; hành, tỏi, sả băm nhỏ; hỗn hợp nước bột bắp (tỉ lệ 2:1). Về phần gia vị gồm có: ½ thìa cà phê ngũ vị hương; đường, nước mắm, rượu trắng mỗi thứ 1 thìa canh; muối, tiêu ¼ thìa cà phê mỗi loại.
Bạn cho thịt dê, sả băm vào âu, trộn đều với các loại gia vị đã chuẩn bị rồi ướp tầm 15 phút.
Tiếp đến, bạn cho hành tỏi vào phi thơm và cho thịt dê vào xào tái, rồi thêm 150 ml nước vào để rim thịt. Bạn rim lửa nhỏ tầm 20 phút cho thịt mềm, sau đấy đổ nước bột bắp đã pha vào nồi sốt, rim lửa lớn đến khi sốt sánh lại thì nêm nếm cho vừa rồi tắt bếp nha.
Vì thịt dê có mùi khá nồng nên dù đã cho rượu vào khi ướp rồi nhưng khi rim thịt, bạn có thể cho thêm 1 thìa rượu nữa cũng được nhé.
Sốt thịt dê bạn rắc ít ngò cho thơm và dọn kèm cơm cháy. Món này ăn ngày mưa lạnh thì ngon phải biết luôn ấy.
Cơm cháy chả bông rưới mỡ hành lại là một món ăn vặt nức lòng bao người. Để làm phiên bản này, ngoài phần cơm cháy chúng mình đã trình bày ở trên thì bạn cần làm thêm sốt rưới và mỡ hành nữa nhé.
Bạn chuẩn bị một ít hành lá để làm mỡ hành; về phần nước sốt rưới cơm cháy thì cần có một ít chà bông, 2 củ hành tím, 2 tép tỏi, 1 trái ớt, 2 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm, 3 thìa canh đường và 2 thìa tương ớt.
Hành lá bạn rửa sạch thái nhỏ, để riêng vào chén. Tùy sở thích mà bạn có thể dùng phần cuống hành (màu trắng) hoặc không nha. Tiếp đến, bạn cho thêm ½ thìa cà phê hạt nêm và ½ thìa canh đường vào chén hành. Sau đấy bạn cho khoảng 6 thìa canh dầu ăn vào chảo đun nóng rồi đổ vào chén hành đã chuẩn bị. Bạn trộn đều để hành chín và gia vị tan đều nhé.
Tiếp theo, bạn băm nhỏ hành củ, tỏi, ớt và cho vào chảo phi thơm vàng. Sau đấy bạn cho thêm lần lượt các gia vị đã chuẩn bị vào chảo, khuấy đều trên lửa nhỏ cho gia vị hòa tan và quyện vào với nhau. Bạn đun phần sốt tầm 2 phút cho sệt lại thì tắt bếp, để nguội.
Đối với phần nước sốt, tùy khẩu vị nhà mình mà bạn gia giảm liều lượng cho phù hợp ha. Bạn nào thích ăn cay thật cay thì ngoài ớt tươi, bạn có thể cho thêm ớt bột vào phần nước sốt nữa nhé.
Cuối cùng, bạn quét nước sốt lên khắp bề mặt phần cơm cháy đã chiên, sau đấy rưới thêm hành từ phần mỡ hành ở trên và rắc chà bông lên khắp bề mặt là có thể thưởng thức được rồi.
Cơm cháy giòn rụm được phủ lớt sốt cay cay, chút mỡ hành thơm phức và chả bông đậm đà.
Phải nói đây có lẽ là phiên bản được nhiều người yêu thích nhất.
Với cách làm cơm cháy tại nhà như này chúng mình không có chất bảo quản nên cũng không để được lâu lắm nha các bạn. Món này ăn nóng mới ngon vậy nên chúng mình làm vừa đủ ăn là tốt nhất. Trường hợp lỡ quá tay làm hơi nhiều thì bạn có thể cho vào hộp có nắp đậy và để nơi thoáng mát.
Bạn nhớ lót một lớp giấy thấm dầu vào hộp rồi hẵng cho cơm cháy vào cất nhé. Làm như này sẽ giúp cơm cháy giữ được độ giòn và bảo quản được từ 3-5 ngày đấy.
Ngoài ra, cơm cháy là món khá “nặng” calo nên các bạn đang muốn kiểm soát cân nặng thì không nên ăn nhiều nha.
Thế ra, đặc sản không phải lúc nào cũng cầu kỳ và khó làm nhỉ? Hãy chia sẻ với Thật Là Ngon thành quả của các bạn ở dưới comment nhé!!!
*Ảnh nguồn Internet.