Kết tinh của thứ quả thiên đường
Nào nào, hãy cùng Thật Là Ngon tìm hiểu cách làm dầu gấc bổ dưỡng. Dầu gấc siêu dễ làm lại nhiều công dụng cho bạn nữa.
Ngày trước, hàng năm, cứ độ tháng 9 đến tháng 12, khi gấc vào mùa thì các bà các mẹ sẽ tranh thủ chọn những quả gấc ngon nhất về làm dầu gấc để dành dùng quanh năm. Các món ăn cho thêm tí dầu gấc thì vừa tốt cho sức khỏe mà màu sắc nhìn cũng mặn mà hấp dẫn, réo gọi dạ dày hơn nhiều.
Giờ đây, đời sống hiện đại khiến mọi người bận rộn hơn nên thay vì tự nấu bạn có thể chọn mua các loại dầu gấc bán sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, khi mua dầu làm sẵn thì ít nhiều chúng mình vẫn hơi lo lắng về chất lượng dầu gấc nhỉ?
Thật ra, nấu dầu gấc không khó như bạn tưởng đâu. Chỉ cần bỏ ít thời gian cùng vào bếp với Thật Là Ngon, bạn sẽ có ngay mẻ dầu gấc ngon nghẻ, an toàn, bổ dưỡng cho cả nhà đấy.
Nào, bắt tay làm thôi!!!
Để có được một mẻ dầu gấc ngon lành chất lượng thì việc chọn được quả gấc ngon là điều rất quan trọng. Gấc có 2 loại là gấc tẻ và gấc nếp. Khi làm dầu gấc, nếu được bạn nên chọn gấc nếp nhé. Gấc nếp nấu dầu sẽ cho màu hấp dẫn hơn.
Gấc nếp thường quả sẽ nhỏ hơn gấc tẻ, gai vỏ cũng thưa hơn, thịt quả sẽ có màu vàng cam sáng.
Khi mua gấc bạn nên chú ý chọn những quả gấc có vỏ màu đỏ cam tươi, gai nở đều, cuống còn xanh tròn và cứng; khi cầm lên có cảm giác căng mọng và chắc tay. Đây là dấu hiệu của quả gấc vừa chín tới, sẽ mang lại chất lượng tốt nhất cho mẻ dầu gấc của tụi mình.
Những quả gấc nào khi cầm bạn sẽ cảm thấy hơi mềm nhão, bề mặt vỏ có những vết thâm đen là gấc đã chín nẫu, bạn tránh chọn nhé.
Sau khi chọn được những quả gấc ưng ý về, bạn rửa sạch quả gấc rồi bổ đôi. Phần múi gấc màu đỏ bạn nạo ra, dàn đều lên khay. Sau đấy bạn gọt vỏ gai, lấy phần thịt gấc màu vàng cam, thái hạt nhỏ. Nếu phần thịt gấc không quá cứng thì bạn dùng thìa để nạo nha, thế sẽ nhanh hơn nhiều.
Kế đến bạn mang múi gấc và thịt gấc đi phơi gió hoặc nắng nhẹ tầm 4-6 giờ cho se mặt.
Nếu mùa mưa không phơi được hoặc sợ bụi bẩn trong không khí bám vào thì bạn có thể cho gấc vào ngăn mát tủ lạnh hong khoảng 6-8 tiếng hoặc để qua đêm. Bước này sẽ giúp chúng mình tách hạt, lấy phần thịt múi gấc dễ dàng hơn.
Bạn nào phơi gấc ngoài trời thì nhớ là chỉ phơi gió hoặc nắng dịu thôi nhé. Nếu bạn phơi gấc dưới nắng gắt, nhiệt cao sẽ phá hủy vitamin A và E tự nhiên có trong thịt gấc thì sẽ uổng lắm đấy.
Sau khi hong cho gấc ráo mặt, phần múi gấc bạn tách bỏ hạt, lấy phần thịt bao hạt để chuẩn bị nấu dầu gấc nha. Hạt gấc bạn đừng vội bỏ đi nhé. Mình sẽ chia sẻ cách tận dụng hạt gấc rất tốt ở cuối bài đấy.
Để thu được nhiều chiết xuất từ gấc hơn, bạn nên xay gấc trước khi nấu nhưng không cần xay quá kĩ.
Bạn cho phần thịt gấc và cùi hạt gấc màu đỏ vào máy xay sinh tố và xay cùng với ½ lượng dầu dừa và hai thìa canh rượu trắng. Rượu là dung môi tốt sẽ giúp bạn lấy được nhiều phần màu đỏ từ gấc hơn.
Sau khi xay, bạn đổ hỗn hợp gấc vào nồi hoặc chảo sâu. Bạn đổ phần dầu dừa còn lại vào và đảo đều. Sau đó, bạn bật bếp đun với lửa nhỏ. Bạn có thể đun lửa vừa khi bắt đầu tới khi bắt đầu có hơi nóng bốc lên thì hãy hạ lửa ngay.
Suốt quá trình nấu dầu gấc, bạn nhớ đảo đều tay liên tục để thịt gấc không bị cháy nha.
Khi nấu dầu gấc, nhiệt độ lý tưởng nhất là dưới 70 ˚C. Để giữ mức nhiệt không tăng quá 70 ˚C, cứ sau một lúc đun nóng thì bạn nên tắt bếp để hạ nhiệt rồi hẵng đun tiếp nhé.
Bạn đun như thế khoảng 40 phút cho gấc ra hết dầu, thịt gấc quắt lại thì tắt bếp và để nguội.
Khi nấu dầu gấc, bạn lưu ý một chút đến việc lựa chọn loại dầu dùng để nấu nhé. Bạn có thể dùng dầu nành, dầu oliu, dầu hướng dương,… nhưng tốt nhất thì nên dùng dầu dừa.
Dầu dừa có độ sôi thấp và bốc hơi rất chậm thích hợp với việc đun dầu gấc thời gian dài, hạn chế việc dầu gấc bị cháy. Hơn nữa, dầu gấc nấu bằng dầu dừa thì bạn có thể dùng như nguyên liệu nấu ăn, đồng thời có thể chiết lại sử dụng như tinh dầu dưỡng da cũng rất tiện.
Sau khi dầu gấc nguội thì bạn dùng rây mắt nhỏ lọc phần bã để lấy dầu gấc thành phẩm.
Mẻ dầu đạt chuẩn thường có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, tùy vào độ chín của quả gấc mình dùng; dầu sẽ thoảng mùi gấc thơm dìu dìu và có độ sánh trong không lẫn cặn thịt gấc nha mọi người.
Cũng như các loại dầu khác, bạn nên bảo quản dầu gấc hũ/hoặc lọ thủy tinh đậy kín và cất ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời để không làm mất đi các dưỡng chất có trong dầu gấc.
Bạn có thể chế dầu gấc vào những hũ nhỏ, trữ trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần cho tiện cũng được nha.
À, còn nữa, dầu gấc chúng mình tự làm sẽ không có chất bảo quản, vì thế tốt nhất mình chỉ nên sử dụng trong vòng 3 tháng thôi nha mọi người.
Vì có màu khá đẹp lại chứa nhiều dưỡng chất nên dầu gấc hay được dùng như phụ liệu tạo màu khi nấu nướng. Thường thấy nhất là cho vào các món canh chua, thịt rim, bò kho,... hoặc nấu cháo để tăng sự hấp dẫn.
Vào những mùa không có gấc thì bạn có thể dùng dầu gấc thay gấc tươi để đồ xôi, nấu chè cũng được nha.
Vì các chất dinh dưỡng trong dầu gấc có thể bị biến đổi dưới tác động nhiệt cao nên bạn chú ý chỉ thêm dầu gấc vào món ăn sau khi đã nấu xong thôi nhé.
Dầu gấc tuy chứa nhiều dưỡng chất hữu ích cho cơ thể nhưng không vì thế mà chúng ta lạm dụng quá đà nha mọi người.
Nếu bạn sử dụng dầu gấc như nguyên liệu nấu nướng thì chúng mình chỉ nên ăn dầu gấc từ 2-3 lần/ tuần, mỗi lần dùng từ 1-2 thìa cà phê là đủ. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, nhu cầu về caroten cao hơn người lớn nhiều lần thì bạn có thể thêm dầu gấc vào thực đơn của bé, mỗi ngày không quá 1 thìa cà phê nha.
Nếu sử dụng dầu gấc quá thường xuyên, cơ thể chúng mình có khả năng không tiêu thụ hết các dưỡng chất thì một trong những nguy cơ cao là bạn có thể bị thừa vitamin A đấy.
Ngoài ra, trong cách làm dầu gấc này chúng mình nấu với dầu dừa cũng như không sử dụng bất kỳ phụ gia nào nên rất an toàn cho da. Vì thế các bạn có thể sử dụng dầu gấc như một loại tinh dầu dưỡng da nữa nhé
Bạn có thể pha vài giọt dầu gấc với sữa tươi không đường để làm dung dịch đắp mặt nạ. Hoặc dùng làm tinh dầu để mát xa mặt mỗi này trước khi đi ngủ.
Dùng dầu gấc thường xuyên và đều đặn không chỉ giúp ngăn ngừa lão hóa da mà còn mang lại một làn da bóng đẹp, căng mịn và không tì vết nữa đó.
Nhờ hàm lượng beta-caroten (tiền vitamin A) và alphatocopherol (tiền vitamin E) cùng các loại axit béo không no dồi dào như omega-3 và omega-6 có trong quả gấc cũng như trong dầu gấc mà càng ngày nó càng được người tiêu dùng lựa chọn như một loại thực phẩm chức năng bổ sung.
Hãy cùng nhau điểm qua một vài công dụng nổi trội của dầu gấc nhé.
Không chỉ trẻ nhỏ hay người già mà ngay cả những người khỏe mạnh bình thường, ngoài việc tập luyện để nâng cao sức khỏe thì cũng cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để tăng cường đề kháng cho hệ miễn dịch nữa.
Các nhóm vitamin, đơn cử là vitamin A đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi và chuyển hóa các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Dầu gấc lại chứa hàm lượng beta-caroten rất dồi dào. Vì thế, nếu bạn có thể bổ sung thêm nguyên liệu này vào thực đơn một cách hợp lý thì đây là một cách đơn giản nhất để nâng cao sức đề kháng cho gia đình đấy ạ.
Beta-caroten (tiền vitamin A) là một trong những vitamin thiết yếu đối với sự tăng trưởng và phát triển của hệ xương. Vitamin này còn tham gia vào quá cơ chế tổng hợp protein cho cơ thể, hỗ trợ phát triển và tăng chiều cao.
Vì thế, nếu nhà có trẻ nhỏ đang tuổi tăng trưởng thì bạn có thể bổ sung thêm vitamin A vào chế độ dinh dưỡng của trẻ bằng cách sử dụng dầu gấc nhé.
Theo những thống kê gần đây, trẻ em mắc các tật khúc xạ ở độ tuổi rất nhỏ đang gia tăng ngày một nhanh. Trước tình trạng này, việc làm sao để có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm đảm bảo thị lực cho trẻ trở thành vấn đề mà các phụ huynh rất quan tâm.
Tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng là cách tốt nhất để phòng các bệnh về mắt. Bên cạnh vitamin A thì lutein và zeaxanthin là 2 dưỡng chất vô cùng quan trọng với hệ thị giác.
Hấp thụ từ thực phẩm là cách duy nhất để bổ sung lutein và zeaxanthin, vì cơ thể chúng mình không thể tự tổng hợp 2 chất này. Và dầu gấc là một trong những thực phẩm có thể giúp bạn bổ sung đầy đủ lượng lutein và zeaxanthin cần thiết cho cơ thể.
Các chất chống oxy hóa cực mạnh có trong gấc, tiêu biểu như lycopen có khả năng chống lại các gốc tự do gây hại, đồng thời còn tăng cường kết nối các phân tử collagen giúp da căng mịn, hồng hào.
Song song đó, Alphatocopherol cũng hạn chế tình trạng sạm nám, giúp da chúng mình sáng và đều màu hơn nữa đấy.
Trẻ thấp còi, chậm lớn là một trong những hệ lụy của việc thiếu vitamin A. Nguy hiểm hơn, việc thiếu hụt vitamin này còn khiến sức đề kháng của trẻ suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm đường hô hấp, sởi,… Vì thế việc lưu ý bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi là rất cần thiết.
Vậy thì, không lý gì các vị phụ huynh lại bỏ qua nguồn vitamin A tự nhiên dễ kiếm và vô cùng rẻ như dầu gấc, đúng không nào?
Ngoài phần thịt gấc bạn dùng làm dầu thì hạt gấc bạn có thể ngâm với rượu để một số bệnh thường gặp như nhứt xương khớp, trĩ, viêm xoang,…
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn cũng cần biết ngâm hạt gấc đúng cách nữa nha. Dưới đây chúng mình sẽ giới thiệu những bước cơ bản để ngâm rượu hạt gấc nhé.
Phần hạt gấc tách ra khi làm dầu, bạn mang đi rửa sạch và phơi ráo. Sau khi phơi hạt gấc, bạn cho lên bếp than đốt lớp vỏ ngoài cho cháy đen rồi tách lấy phần nhân hạt màu vàng bên trong mang đi giã nhỏ.
Sau đấy bạn cho phần nhân gấc và rượu vào hũ để ngâm. Cứ 500 ml rượu trắng (40-50 độ) thì bạn ngâm được với khoảng 30-40 hạt gấc. Nếu ngâm nhiều hạt gấc hơn thì bạn cứ tăng lượng rượu theo tỉ lệ tương ứng nhé.
Rượu hạt gấc ngâm càng lâu càng tốt. Tuy nhiên nếu cần thì sau 10 ngày là bạn có thể sử dụng được rồi. Rượu này bạn bảo quản trong bình/hũ thủy tinh sạch và để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Thi thoảng bạn nhớ lắc đều cho rượu ngấm nha.
Trong hạt gấc có chứa một số độc tố rất nguy hiểm có thể gây chết người. Các độc tố này có thể giải phóng vào trong rượu qua quá trình ngâm. Vì thế rượu hạt gấc chỉ được khuyên dùng ngoài da dưới dạng thoa thôi nha các bạn.
Sau mỗi lần xoa bóp rượu hạt gấc thì các bạn chú ý rửa tay sạch sẽ nhé, tránh việc bị ngộ độc khi đưa tay tiếp xúc với mồm hoặc thức ăn.
Thế nào, cách làm dầu gấc không khó như tưởng tượng phải không? Hy vọng những thông tin và công thức làm dầu gấc này sẽ hỗ trợ bạn có thêm một lựa chọn trong việc bổ sung dinh dưỡng cho gia đình mình nhé.
Mong rằng, với những công thức đơn giản, dễ thực hiện tại nhà mà Thật Là Ngon chia sẻ sẽ truyền động lực giúp bạn tự tin hơn khi đứng bếp.
Cuối cùng, đừng quên chia sẻ với chúng mình những câu chuyện, những kinh nghiệm cũng như thành phẩm mà các bạn đã làm ở phần comment nha!
*Ảnh nguồn Internet