Đậm đà hương vị Tết Bắc
Mâm cỗ ngày Tết sẽ thêm phần đầy đặn, ấm cúng hơn khi có nhiều món ngon cùng gia đình thưởng thức. Với cách làm giò xào, bạn sẽ có được món ngon đích thực mà lại đậm đà bản sắc quê hương.
Giò xào là một món ăn truyền thống trong ngày Tết ở miền Bắc. Theo thời gian, món ăn này theo chân những người Bắc di cư khắp mọi miền và được rất nhiều người yêu thích. Món ăn này còn có nhiều tên gọi khác nhau như giò hoa, giò thủ, giò mỡ,...
Tất cả những tên gọi này đều xuất phát từ đặc điểm của giò xào. Thành phần chủ yếu gồm tai lợn, lưỡi lợn, mũi lợn, thịt chân giò,... kết hợp cùng với mộc nhĩ, hạt tiêu, nước mắm,... Nguyên liệu được xào thơm lên rồi nén chặt lại. Chất keo dính từ da và mỡ lợn đã kết nối các nguyên liệu để tạo thành món giò xào thơm ngon, đẹp mắt.
Giò xào còn là món quà để mọi người đem biếu nhau trong dịp chuẩn bị đồ ăn ngày Tết. Bạn nghĩ sao nếu tự tay làm nên những khúc giò xào biếu tặng bạn bè và người thân?
Cùng vào bếp với Thật Là Ngon để hiện thực hóa dự định hay ho này nhé!
Trong món giò xào sử dụng nhiều phần thịt lợn khác nhau. Thịt chân giò không bị ngấy, lại có chất keo giúp các nguyên liệu liên kết lại với nhau. Nếu lưỡi lợn mềm ngọt thì phần tai lợn, mũi lợn lại dai giòn sật sật.
Bạn có thể chuẩn bị đủ nguyên liệu thịt như hướng dẫn hoặc bớt đi một hai thứ nếu không mua được đủ hoặc không thích ăn nhé!
Để mua được những miếng thịt ngon, bạn chú ý chọn dựa trên những đặc điểm sau đây:
Thông thường, khi mua bất cứ phần thịt lợn nào từ cửa hàng, người bán đã làm sạch qua rồi. Họ có dụng cụ cạo lông chuyên dụng và đã quen tay nên làm sạch rất nhanh.
Sau khi mua về, mình chỉ cần nhặt lại những sợi lông vụn và rửa sạch đi thôi.
Nhiều nhà kỹ tính hơn, người nội trợ sẽ khử trùng và khử mùi của thịt lợn nữa. Bạn cũng có thể tuân theo để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm bớt mùi hôi của thịt lợn.
Trước khi thái các loại thịt, bạn nên luộc sơ thịt lợn qua nước sôi.
Bước này sẽ giúp bạn thái thịt dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc luộc sơ qua nước sôi như một bước khử trùng thịt, sẽ giúp giò xào có thể bảo quản được lâu hơn.
Bạn đun sôi một nồi nước lớn rồi bỏ thêm chút muối hạt vào. Bạn cho toàn bộ các loại thịt lợn vào luộc chín khoảng 80%. Để có được độ chín này, bạn hãy canh thời gian luộc khoảng 5-7 phút tính từ thời điểm nước sôi trở lại nhé!
Khi thịt đã chín, bạn vớt ra và xả dưới vòi nước lạnh rồi xóc nhẹ để cho thịt ráo bớt nước.
Sau đó, bạn thái các loại thịt lợn thành từng miếng cỡ 1x5 cm. Nếu trong gia đình có người cao tuổi và trẻ nhỏ thì bạn có thể thái với kích thước nhỏ hơn.
Mộc nhĩ bạn ngâm trong nước sạch khoảng 20 phút cho nở ra. Sau đó bạn cắt phần chân bỏ đi, đem rửa sạch rồi thái sợi dài.
Thông thường trong món giò xào, tiêu sọ rang khô sẽ được đập dập chứ ít khi đem xay nhuyễn.
Mọi người rất thích nhai trúng miếng tiêu bé tí nhưng cay nồng. Nếu nhà bạn sợ cay thì có thể sử dụng hạt tiêu xay cũng được nhé!
Hành khô bạn bóc vỏ, đem rửa với nước rồi băm nhỏ.
Lá chuối bạn đem rửa với nước nhiều lần. Nếu bạn muốn sạch hơn hãy kỳ cọ thật kỹ từng chiếc lá chuối ở 1, 2 nước đầu tiên. Ở nước cuối cùng hãy bỏ thêm chút muối và ngâm trong 5 phút.
Rửa xong, bạn đem lau khô nước cho từng chiếc lá chuối rồi hong ngoài nắng khoảng 1 giờ đồng hồ cho lá mềm hơn. Lá chuối mềm thì thao tác gói giò xào cũng sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn phần nào.
Bạn làm nóng chảo vớt chút dầu ăn rồi cho phần hành khô băm nhỏ vào phi thơm. Bạn lần lượt thêm lưỡi, mũi, tai, thịt chân giò vào xào cho săn lại.
Bạn thêm mộc nhĩ vào đảo đều trong 3 phút rồi thêm các loại gia vị vào xào cùng.
Trong quá trình xào bạn cứ để lửa ở mức trung bình vừa. Bạn nêm nếm gia vị cho vừa với khẩu vị của gia đình.
Sau khi xào thêm khoảng 3 phút, lúc này bạn đã thấy thịt ra nước và mộc nhĩ đã chín rồi. Bạn thêm tiêu đập dập vào đảo thêm 2 phút rồi tắt bếp.
Bởi thịt đã được luộc chín sơ rồi nên ở bước xào này, bạn cũng không cần xào kỹ quá mà làm thịt bị dai, mất đi độ giòn sẽ không ngon.
Giò xào cần được gói ngay sau khi thịt xào xong. Có như vậy các nguyên liêu mới dễ liên kết với nhau nhờ lớp mỡ dẻo dính.
Cách gói giò xào bằng lá chuối tương tự như cách gói bánh tét. Tuy nhiên, khi gói giò xào sẽ có thêm bước nén giò nữa.
Quá trình nén chặt hơi tốn công, bạn có thể nhờ thêm người giúp sức nhé! Bạn cũng có thể linh động sử dụng cả những dụng cụ có khối lượng lớn trong nhà như thớt, nồi gang,... để nén giò xào cho được chặt. Thịt càng được nén chặt thì giò xào sẽ càng dai càng ngon, chắc chắn và không rời rạc từng phần nguyên liệu.
Giò xào sau khi được tạo hình xong, bạn hãy chờ cho nguội hẳn và cất trong ngăn mát tủ lạnh 8 tiếng hoặc qua đêm để giò xào săn chắc hơn và thành hình nhé!
Cách gói bằng lá chuối có vẻ hơi kì công, bạn có thể linh động như nhiều chị em trên mạng. Họ sử dụng khuôn inox, lon (lon sữa bò, lon guigoz..) hoặc chai nhựa để tạo hình và nén chặt giò xào.
Ngoài ra, bạn có thể tùy chỉnh kích cỡ và hình dạng khúc giò xào tùy theo điều kiện có sẵn để tiện cho việc sử dụng và bảo quản về sau nhé!
Sau khi nén giò bằng các dụng cụ này, bạn chờ khoảng 2-3 tiếng cho giò xào nguội và cố định hình dạng. Sau đó, bạn nhẹ nhàng gỡ giò xào ra và bọc trong túi nilon. Và nhớ là vẫn cần để giò xào trong tủ lạnh 8 giờ rồi hãy mang ra thưởng thức nhé!
Sau khoảng thời gian chờ đợi, thành phẩm giò xào đã hoàn chỉnh. Ăn đến đâu, bạn bóc lá chuối đến đó và cắt giò thành những miếng đẹp mắt để cả nhà cùng thưởng thức nhé!
Có rất nhiều cách cắt giò xào khác nhau để trang trí mâm cơm thêm phần đẹp mắt như hình miếng chữ nhật, hình tam giác,…
Bạn có thể chuẩn bị thêm một bát tương ớt hoặc bát nước mắm chấm nhỏ đặt cạnh đĩa giò xào.
Giò xào thành phẩm trông rất chi là đẹp mắt do xen kẽ giữa phần thịt và phần mộc nhĩ với nhau. Mùi thơm của giò xào được tạo bởi phần thịt xào thơm ngon cùng mùi tiêu cay nồng. Khó có thể phân biệt đâu là phần thịt chân giò, lưỡi, mũi và tai lợn. Nhưng mình tin rằng, dù cắn miếng giò xào nào cũng rất ngon và đậm đà. Thường mọi người hay làm một cây giò lớn để ăn dần. Do đó, phần giò xào chưa ăn đến thì bạn hãy bịt kín lại và tiếp tục bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhé!
Giò xào nếu giữ ở ngăn mát tủ lạnh, bạn nên sử dụng trong vòng 1 tuần là ngon nhất. Nếu muốn giữ lâu hơn (10-20 ngày), bạn nên cho vào ngăn đá, trước khi sử dụng thì lấy ra rã đông ở nhiệt độ phòng.
Có được miếng giò xào ăn cùng với cơm nóng trong ngày thời tiết lạnh thì đảm bảo ấm bụng, no nê. Vào ngày Tết, bạn có thể chuẩn bị giò xào ăn kèm với hành muối, củ kiệu, dưa món, kim chi,…
Giò xào không chỉ đẹp mắt mà còn rất thơm ngon. Tích trữ một cây giò xào trong nhà ngày Tết là an tâm rồi. Có khách đến chơi nhà, bạn chỉ cần cắt ngay một khoanh và bày biện thêm một vài món ăn khác là có ngay mâm cơm tươm tất để thiết đãi.
*Ảnh nguồn Internet