Lạ miệng với hoành thánh Trung Hoa nhà làm
Với cách làm hoành thánh mà mình chia sẻ ngay sau đây, bạn có thể tự tin chế biến một món ăn đậm chất Trung Hoa để thưởng thức ngay tại nhà.
Hoành thánh có nguồn gốc từ Trung Hoa xưa kia. Khi người Hoa sang Việt Nam buôn bán đã mang theo món ăn hấp dẫn này. Với hương vị thơm ngon cùng hình thù lạ mắt, được chan với nước dùng thanh mát, món ăn dần dần chinh phục vị giác của người Việt Nam khắp mọi miền.
Bạn còn nhớ lần đầu ăn hoành thánh là khi nào không?
Có một lần mình đi lên trên phố gần Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội ấy, mình đã được thưởng thức bát hoành thánh nóng hổi. Vì là lần đầu tiên được ăn món lạ như vậy, mình đã nhanh chóng ăn hết một cách ngon lành.
Khi lớn lên, với đam mê nấu ăn, mình đã có thể làm được món hoành thánh tại nhà rồi và giờ thì mình tự tin chia sẻ cho các bạn thông qua bài viết của Thật Là Ngon bây giờ đây!
Để làm nên từng viên hoành thánh, chúng ta cần phải trải qua các bước làm với nhiều thành phần nguyên liệu đa dạng.
Mình đã phân ra thành ba nhóm nguyên liệu: Thành phần trộn nhân hoành thánh, gia vị ướp nhân và nguyên liệu nấu cùng nước dùng. Các bạn cứ từ từ tìm kiếm và chọn mua cho đủ các nguyên liệu nhé!
Khi các nguyên liệu được kết hợp với nhau, món hoành thánh sẽ có mùi hương chuẩn vị hơn và có điểm nhấn đọng lại trong cảm nhận của thực khách.
Trong nguyên liệu nấu nước dùng có cà rốt và hành hẹ, bạn sơ chế lấy phần ăn được rồi rửa sạch nhé. Cà rốt bạn thái vát mỏng. Hành hẹ bạn thái đoạn hoặc băm nhỏ theo sở thích.
Lớp vỏ hoành thánh được làm từ thành phần chính là bột mì và lòng đỏ trứng gà. Bởi vậy mà lớp vỏ có màu vàng tươi đẹp mắt. Bạn hãy chọn mua thếp vỏ hoành thánh mới làm, vẫn còn thơm mùi bột mì, khi cầm lên cảm giác dai mà mịn. Vỏ hoành thánh hay được cắt thành dạng hình vuông.
Nhân của hoành thánh thật là nhiều thành phần đa dạng. Trong công thức của mình, nhân hoành thánh là loại truyền thống, rất được ưa chuộng. Tùy theo sở thích, bạn có thể thêm hoặc bớt các nguyên liệu nhé!
Cách chọn mua tôm tươi và sơ chế bạn tham khảo trong hướng dẫn làm tôm tẩm bột chiên xù đã từng được mình chia sẻ.
Thịt băm bạn hãy chọn mua phần thịt vai ngon nhé. Đây là phần thịt heo có tỷ lệ nạc mỡ khá cân bằng. Do đó, thịt không quá khô mà cũng không nhiều mỡ.
Trong thành phần nhân có cà rốt, hành tây, hành tím, tỏi, nấm hương, hành lá cho vào vừa có tác dụng chống ngấy vừa giúp dậy mùi hơn khi ăn.
Tôm sau khi được làm sạch, bạn hãy dùng dao băm thành từng miếng nhỏ nhé! Bạn đừng xay tôm mà khiến thịt bị nát. Khi ăn không nhai rõ miếng thịt tôm thì không ngon đâu mà.
Thịt băm thì khi mua ở ngoài chợ và trong siêu thị, bạn hãy chọn mua tại nơi bán hàng uy tín, thịt chất lượng cao và nhờ họ xay bằng máy xay thịt chuyên dụng.
Nếu bạn muốn an tâm hơn thì bạn cứ mua thịt nạc vai loại ngon rồi về nhà rửa sạch, xay thịt bằng máy xay hoặc chịu khó băm bằng tay cũng được. Bạn chú ý không xay/ băm thịt nhuyễn quá nhé!
Đối với cà rốt, hành tây, hành tím, tỏi, nấm hương, hành lá sau khi bỏ vỏ, rửa sạch thì bạn băm nhỏ chúng ra nhé!
Tất cả phần nhân đã được băm/ cắt nhỏ, bạn cho vào một chiếc âu to.
Bạn lần lượt thêm các gia vị trộn nhân hoành thánh vào âu. Bạn chú ý không làm nhân mặn quá vì sau này hoành thánh sẽ ăn cùng nước dùng và rau củ nữa. Hoành thánh cần có hương vị cân bằng với nước dùng thanh đạm.
Để trộn hỗn hợp nhân, bạn có thể đeo găng tay nilon vào để trộn cho được đều nhé!
Sau khi chuẩn bị hỗn hợp nhân trộn hoành thánh rồi, bạn cần phải nhồi nhân vào giữa lớp vỏ hoành thánh. Đến đây hẳn là bạn đã mường tượng ra cách làm này giống với món chả giò rồi đúng không?
Bạn hãy trải lớp vỏ hoành thánh ra một mặt phẳng như khay/ đĩa nông lòng rồi múc một phần nhân vào giữa miếng vỏ.
Tiếp đến, bạn cần nặn vỏ cho dính lại để bao trọn phần nhân ở bên trong.
Có rất nhiều cách gấp vỏ hoành thánh đẹp mắt, bạn có thể tham khảo hai cách mà mình chia sẻ.
Bạn gói lần lượt cho đến hết phần nhân trộn nhé! Nếu thừa một ít vỏ thì bạn giữ lại, cho vào nước dùng sau này cũng được.
Bạn chuẩn bị một nồi nước sôi để luộc hoành thánh.
Theo mình, bạn không nên luộc hoành thánh trong nồi nước dùng. Bởi vì lớp bột áo và màu vàng đục của hoành thánh khi luộc có nguy cơ làm mất độ trong của nước dùng.
Khi luộc hoành thánh bạn chú ý quan sát nhé! Khi chúng nổi lên thì tức là hoành thánh đã chín rồi.
Bạn dùng muôi thủng vớt hoành thánh ra, có thể xếp luôn vào từng bát ăn. Nếu chưa ăn luôn thì bạn để hoành thánh trong hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh nhé. Bạn có thể trộn thêm ít dầu để hoành thánh không bị dính vào nhau.
Bạn đun sôi nước hầm xương rồi cho cà rốt vào đun cùng.
Khi nước dùng sôi, bạn cho đường, hạt tiêu, gia vị vào và nêm nếm xem đã vừa miệng chưa nhé!
Bạn bỏ hành hẹ vào nước dùng đun thêm khoảng 2 phút rồi chan vào hoành thánh để ăn cùng.
Hoành thánh thơm ngon đúng chuẩn sẽ thỏa mãn những đặc điểm sau nhé bạn!
Tùy theo sở thích và khẩu vị của gia đình, bạn có thể thêm nhiều loại rau vào nước dùng để ăn cùng như cải xanh, cải cúc, cà rốt 🥕, giá,… Như vậy thì món ăn vừa có tinh bột, đạm và rau đảm bảo đủ chất dinh dưỡng lắm đấy.
Sau khi lấy nước dùng bằng cách hầm móng giò, rẻ sườn bằng nồi nấu chậm hoặc nồi áp suất, bạn có thể ăn móng giò, rẻ sườn cùng với hoành thánh rất ngon nhé!
Màu sắc đa dạng được chiết suất từ củ dền, lá dứa, hoa đậu biếc,… tạo nên lớp vỏ độc đáo và đẹp mắt.
Thay vì cách nấu truyền thống, hoành thánh còn có thể được đem chiên giòn, vàng rụm. Món ăn cũng được nhiều người yêu thích bởi vị béo ngậy và nhai giòn giòn vui miệng.
Hoành thánh cũng là một món ăn dế dàng biến tấu thành món chay. Bạn chỉ cần thay nhân tôm thịt bằng nhân chay (rau, nấm, đậu,...) và nấu trong nước hầm rau củ là có ngay một món chay chất lượng rồi.
Đầu tiên, mình nêu sự khác biệt giữa hoành thánh và vằn thắn nhé!
Hoành thánh nguyên gốc là từng miếng bột mì bọc thịt chan nước dùng. Vằn thắn thì lại là một món mì được làm từ bột mì và trứng giống như vỏ hoành thánh.
Hoành thánh và vằn thắn theo chân người Hoa du nhập vào Việt Nam vào khoảng thập niên 1930. Vằn thắn tại Việt Nam là món mì, ăn kèm với sủi cảo, thịt xá xíu, trứng gà luộc, gan lợn, nấm hương, cải xanh, hẹ,…Mì vằn thắn sẽ được chan với nước dùng ninh từ xương kết hợp với thuốc bắc, vỏ tôm.
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa hoành thánh, há cảo, sủi cảo. Bạn hãy phân biệt rõ nhé!
Về phần vỏ, đây là điểm tạo nên khác biệt chính giữa ba loại món ăn này.
Về phần nhân, há cảo phổ biến nhất với nhân tôm còn sủi cảo phổ biến nhất là nhân thịt lợn cải thảo. Trong khi đó, hoành thánh phổ biến với nhân tôm thịt cùng hành lá. Tuy nhiên các loại nhân của cả ba loai này đều có thể thay thế cho nhau hoặc làm bằng các nguyên liệu khác.
Về cách chế biến, nếu như hoành thánh thường ăn với nước dùng thì há cảo, sủi cảo thường đem hấp rồi thưởng thức nóng. Ngoài ra, sủi cảo cũng được chế biến đa dạng hơn, có cả sủi cảo luộc, áp chảo, chiên ngập dầu và cả nấu trong nước dùng như hoành thánh.
Trên đây mình đã giới thiệu cho bạn công thức làm hoành thánh thật hoàn chỉnh để bạn có thêm một món ăn trong danh sách những món ngon đổi vị ngày cuối tuần rồi.
Đây quả là món ăn với nhiều bước làm bởi thành phần rất đa dạng nhỉ? Nhưng cũng vì vậy mà món ăn chứa đựng sự kỳ công của người làm bếp. Bạn cũng sẽ có câu chuyện để kể với mọi người về cách chế biến của món ăn độc đáo này.
Hoành thánh là một trong những món ăn mà mình nghĩ là càng nấu thì bạn sẽ càng lên tay và càng tự tin để chế biến mời người thân, bạn bè đấy 😉.
Ngoài ra, nếu trong nhà bạn có trẻ nhỏ thì không khó để dỗ các bé ăn vì hình thù của hoành thánh rất thú vị. Nếu trẻ tương đối lớn, bạn cũng có thể rủ nặn và tạo hình theo ý thích, chỉ cần đảm bảo vỏ bọc kín nhân là được rồi. Hẳn các bé sẽ rất thích thú với những miếng hoành thánh mình tự gói đó!
Chúc bạn luôn có những món ăn ngon và thời gian vui vẻ bên gia đình.
*Ảnh: Nguồn Internet