menu opt-in

Cách Làm Lẩu Thái

Cách Làm Lẩu Thái

Chua chua, cay cay dậy vị, đúng điệu xứ chùa Vàng

Bài viết bởi Diệu Linh, đăng ngày 08-10-2021. Cập nhập ngày 26-10-2021.

Những ngày này trời đã bắt đầu se lạnh, món lẩu luôn được ưu tiên trong những bữa ăn sum vầy. Cách làm lẩu Thái chua cay chúng mình gửi tới bạn hôm nay sẽ là lựa chọn tuyệt cú mèo cho gia đình bạn.

Món ăn là một biến thể nâng cấp từ canh chua Tom Yum của Thái Lan kết hợp cùng món lẩu Trung Quốc. Lẩu Thái đầu tiên được phục vụ trong nhà hàng cho cộng đồng người Hoa tại Thái Lan.

Không chỉ đặc trưng ở xứ sở chùa Vàng, lẩu Thái giờ đã thịnh hành ở nhiều quốc gia bởi hương vị khó quên của nó.

Lẩu Thái đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu, tạo ra một làn sóng ẩm thực và làm cho nền ẩm thực Việt ngày càng phong phú và đa dạng.

Không cần kinh nghiệm nấu nướng gì quá cao siêu cũng không có bí quyết gì nhiều, lẩu Thái cũng có cách chế biến rất nhanh gọn.

Hôm nay hãy cùng Thật là ngon vào bếp làm món lẩu Thái tại gia nhưng thơm ngon tròn vị. Công thức này đơn giản, tốn ít thời gian chuẩn bị và chế biến. Bạn có thể nấu cho gia đình thưởng thức vào cuối tuần hay ngày thường đều hợp lý.

cách nấu lẩu thái 1
In Công Thức
5 from 1 vote

Cách Làm Lẩu Thái

Lẩu Thái chua cay hấp dẫn với công thức nấu siêu đơn giản, hợp với khẩu vị của cả gia đình bạn.
Chuẩn bị45 phút
Nấu15 phút
Tổng thời gian1 giờ
Bữa ăn: Main Course, Món chính
Đặc sản: Thái Lan
Keyword: lẩu, lẩu Thái, Lẩu Tomyum
Khẩu phần: 4 người
Calories: 990kcal

Nguyên Liệu

Nguyên liệu nhúng lẩu

  • 300 g mực ống
  • 300 g tôm
  • 300 g ngao
  • 300 g thịt bò
  • 200 g cá phi lê
  • 100 g nấm rơm, nấm kim châm
  • 2 bìa đậu/ váng đậu
  • Các loại rau: rau muống, rau nhút, rau cần nước, bông bí...
  • Bún/mì tôm

Nguyên liệu nấu nước dùng

  • 1 kg xương ống
  • 1/2 quả dứa
  • 3 quả cà chua
  • 1 quả ớt sừng
  • 4 cây sả
  • 5 lát riềng
  • 1 củ tỏi
  • 2 củ hành
  • Nước cốt me
  • Gia vị: nước mắm, hạt tiêu, muối, đường

Nguyên liệu làm nước chấm

  • 1 quả chanh
  • 3 muỗng cà phê muối
  • 3 muỗng cà phê đường
  • 1 quả ớt xiêm
  • 1 cái lá chanh
  • Một ít wasabi

Dụng Cụ

  • Nồi nấu lẩu

Hướng dẫn

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Hải sản mua về rửa sạch sẽ, khử mùi tanh: tôm phải lấy phần chỉ ra, ngao ngâm nước và xả để loại bỏ cát biển.
  • Thịt bò thái mỏng để khi nhúng không bị dai.
  • Dùng mũi dao khía mực theo các đường chéo, cắt miếng hình vuông khoảng 4 x 4 cm.
  • Cá phi lê rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
  • Các loại rau rửa sạch, loại bỏ những lá dập nát.
  • Đập dập và băm sơ tỏi và 1 củ hành. Sả phần đầu trắng thái lát mỏng, phần còn lại đập dập, cắt khúc tầm 3 – 5 cm.
  • Cà chua bổ múi cau, cắt dứa thành những miếng nhỏ.

Bước 2: Nấu nước dùng

  • Xương ống rửa sạch với muối và chanh, trần qua nước sôi rồi rửa xả lại dưới nước để loại bỏ cặn bẩn.
  • Cho xương vào nồi áp suất với khoảng 5 – 6 bát nước cùng 1 củ hành tím, 1 thìa cà phê muối hầm trong 30 phút.
  • Cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng cho tỏi và hành băm vào, xào đến khi dậy mùi thơm. Cho tiếp phần riềng, sả, ớt vào đảo đều đến khi thấy chuyển vàng, thêm sa tế vào. Thêm cà chua, dứa vào xào đến khi thấy mềm.
  • Trút toàn bộ phần trong chảo vào nồi nước xương hầm, thêm lá chanh vò nát và nước cốt me.
  • Nêm nếm lại cho phù hợp với khẩu vị.

Bước 3: Làm nước chấm

  • Cho toàn bộ nguyên liệu làm nước chấm vào máy xay đều.
  • Cho nước chấm ra từng bát nhỏ.

Bước 4: Hoàn thành

  • Chế nước dùng ra nồi lẩu.
  • Bày biện đồ nhúng và thưởng thức.

Nutrition

Calories: 990kcal
Bạn thử chưa?Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!

Cách làm lẩu Thái chi tiết

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Không chỉ là lẩu Thái mà còn các loại lẩu nói chung, đồ nhúng tươi ngon chiếm phần quan trọng trong sự thành công của món lẩu.

Khi bạn chọn nguyên liệu để nhúng lẩu lưu ý mua ở hàng đảm bảo chất lượng. Hải sản phải tươi, không bị hôi, ươn.

Thật Là Ngon sẽ chia sẻ với bạn một số tip lựa chọn và sơ chế hải sản nhé.

Sơ chế mực ống

Mực ống là loại hải sản rất tươi ngon và giàu dinh dưỡng. Để món mực được ngon hơn bạn phải biết làm sạch nhớt và khử mùi tanh của mực.

Đầu tiên khi mua mực về bạn tách phần đầu và phần thân của mực ra. Khéo léo tách phần túi mực ra khỏi đầu mực. Nếu không may túi mực bị vỡ, bạn hãy rửa xả nhiều lần dưới vòi nước để lại bỏ hết màu đen của mực.

Sau đó bạn dùng dao rạch dọc phần thân mực, cẩn thận lạng lưỡi dao để loại bỏ những phần cặn bẩn bên trong. Phần da mực có đốm tím bạn chỉ cần rửa sạch nhưng nếu muốn bạn có thể lột đi để thịt trắng và đẹp mắt hơn

Trong đầu mực có một phần sờ vào sẽ thấy cứng, bạn chỉ cần xẻ dọc đầu mực và cắt bỏ phần đó ra.

Bạn dùng muối và nước cốt chanh hoặc dấm chà xát lên bề mặt mực sau đó rửa kĩ dưới nước để loại bỏ muối là đã khử được mùi tanh của mực.

Bên cạnh đó có thể kết hợp muối, gừng và rượu trắng để khử mùi tanh. Bạn pha loãng 1 muống rượu trắng, 1 muống muối với vài lát gừng đập dập. Mát xa mực trong hỗn hợp trên trong vài phút rồi rửa sạch là hoàn thành.

lẩu thái 2

Để mực nhìn đẹp mắt và ngon miệng hơn sau khi nấu, cách cắt mực chắc cũng sẽ khiến nhiều bạn quan tâm.

Bạn có thể trải rộng miếng mực, khứa trên thân mực thành các đường thẳng chéo nhau tạo thành hình thoi sau đó cắt thành miếng vừa ăn. Lưu ý không khứa quá sâu sẽ dễ làm mực bị đứt và nát khi nấu.

Nếu còn để nguyên cả thân mực mà không xẻ, bạn có thể cắt thành từng khúc 2 – 3 cm. Bạn tiếp tục dùng dao hoặc kéo sắc để cắt sâu một đầu vào tầm 1 cm chia khoanh mực làm 6 cánh để tạo hình hoa.

lẩu thái 3

Sơ chế tôm

Tôm tươi sống có đầy đủ các phần cơ thể và liên kết với nhau chắc chắn, không bị dập nát. Vỏ tôm màu trong, sáng, nhìn cảm giác như trong suốt và không bị nhớt khi sờ vào.

Bên cạnh đó bạn có thể duỗi tôm ra dưới ánh sáng, quan sát các khớp trên thân tôm, nếu các khớp vẫn chắc và càng hẹp thì tôm càng tươi.

Tôm là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng nếu không biết sơ chế đúng cách sẽ vô tình ăn phải những chất bẩn. Không làm sạch được tôm hoặc là làm sạch nhưng tôm bị nát là một trong những trường hợp thường gặp.

Đầu tiên, bạn cần dùng 1 tay giữ chặt đầu tôm, tay còn lạ giữ phần thân tôm, Sau đó, dùng 2 tay gấp phần đầu với phần thân, tách nhẹ để ép phần bẩn của tôm ra ngoài. Bạn bóp nhẹ phần đầu tôm để loại phần túi phân, giữ một phần chỉ đen rồi kéo nhẹ để không bị đứt.

Cuối cùng bạn chỉ cần rửa sạch tôm qua nước muối là đã hoàn thành.

lẩu thái 4

Sơ chế ngao

Ngao tươi thường ngậm rất nhiều chất bẩn và cát. Nếu ngao không được làm sạch cẩn thận, lúc ăn sẽ mất ngon dù có tươi đến mấy.

Để làm sạch ngao có rất nhiều cách nhưng đơn giản nhất là dùng muối và ớt. Khi mua ngao về bạn rửa kĩ qua nước sạch, nếu thấy cát bẩn bám trên ngao thì bạn dùng tay chà nhẹ.

Sau đó bạn lấy một cái thau thêm nước lạnh, 2 thìa muối và thái thêm 2 – 3 quả ớt cho vào. Bạn thả toàn bộ số ngao vào thau nước, lưu ý thau phải đủ lớn và lượng nước phải đủ ngập hết toàn bộ số ngao.

lẩu thái 5

Cũng thêm một lưu ý khi chọn ngao là bạn phải chọn ngao vỏ còn cứng và ngậm chặt. Nếu ngao há miệng hoặc có thể dễ dàng dùng tay để tách vỏ ra thì chứng tỏ là ngao đã chết. Bạn mua phải ngao này thường bị hôi, tanh không ăn được.

Về cá thì bạn có thể chọn loại cá theo sở thích nhưng lưu ý nhặt sạch xương cá để khi ăn không phải nhè xương. Bạn rửa sạch, thấm khô rồi cắt miếng vừa ăn là được.

Đối với các loại rau bạn có thể lựa chọn những loại phù hợp với sở thích của gia đình, không nhất thiết phải tất cả các loại trong công thức.

Rau cần nhặt kĩ, rửa lại nhiều lần để trôi sạch đất cát. Khi rửa rau bạn cũng lưu ý không nên mạnh tay vì dễ làm cho lá rau dập nát, mất độ ngon và thẩm mĩ.

lẩu thái 6

Về các gia vị còn lại, bạn cũng rửa sạch bụi bẩn.

Phần đầu trắng sả bạn cắt lát mỏng, không cần băm thì khi xào cũng đã có mùi thơm. Phần còn lại của cây sả bạn đập dập, cắt khúc tầm 3 – 5 cm, phần này sẽ cho vào nồi nước hầm để nước dùng dậy mùi thơm cho món lẩu Thái.

Bạn bóc vỏ tỏi và 1 củ hành trong công thức, sau đó đập dập và băm sơ là được.

Cà chua không cần cắt vụn mà chỉ cần bỏ cuống, bổ múi cau thành 8 miếng đẹp mắt.

Đối với dứa bạn cũng bỏ lõi, cắt thành các miếng vừa theo chiều khứa mắt dứa. Dứa sẽ giúp cho nước dùng thơm và có vị ngọt tự nhiên.

Nếu không mua được cốt me bán sẵn, bạn có thể dùng me tươi đóng gói để nấu. Bạn cho khoảng 50 g me vào tô, chế thêm khoảng 1 bát nước nóng, dằm nhẹ. Sau đó bạn lọc bỏ hạt me là đã có nước cốt me rồi.

Bước 2: Nấu nước dùng lẩu Thái

Quả không sai khi nói nồi lẩu ngon khi nước dùng ngon. Dù nguyên liệu có tươi ngon đến mấy nhưng nước dùng lại không dậy vị đặc trưng cũng sẽ khiến cho món lẩu kém thu hút.

Vậy hãy bắt tay vào chuẩn bị nước dùng thôi!

Xương ống bạn có thể nhờ người bán chặt thành 2 – 3 khúc. Sau khi mua về rửa sạch với muối và chanh. Bạn đun nước sôi trần qua xương ống, sau đó vớt ra rồi rửa xả lại dưới nước thật kỹ để loại bỏ cặn bẩn và mùi hôi. Phần nước này bạn bỏ đi nha.

Sau khi rửa sạch sẽ, bạn cho xương vào nồi áp suất với khoảng 5 – 6 bát nước. Bạn cho thêm phần sả đập dập, 1 củ hành tím cùng 1 thìa bột nêm hầm trong 30 phút.

lẩu thái 7

Nếu không có nồi áp suất, bạn cũng có thể dùng nồi thường. Nhưng lưu ý bạn phải để lửa nhỏ vừa đề nước không bị sôi trào ra ngoài. Bên cạnh đó, bạn cũng nhớ hớt bọt thường xuyên để nước dùng không bị đục nhé.

Khi nồi nước hầm đã đạt, bạn lấy xương ra và lọc lấy nước để chuẩn bị chế vào nước dùng nha.

Trong trường hợp các bạn không tiện mua xương mà nhà lại có đầu tôm khô sẵn, bạn hoàn toàn có thể làm nước dùng từ đầu tôm khô. Nước dùng từ tôm khô không những thơm ngon mà còn rất ngọt nước.

Bạn lấy khoảng 300 g đầu tôm, rửa qua cho sạch bụi bẩn. Sau đó bạn cho lượng đầu tôm đó vào nồi nấu cùng 5 – 6 bát nước. Lúc đầu bạn để lửa lớn, đến khi nước bắt đầu sôi bùng bạn hớt bỏ bọt đi để nước dùng trong hơn.

Bạn hạ lửa vừa và tiếp tục đun trong 45 – 60 phút, sau đó lọc bỏ đầu tôm, lấy phần nước để làm nước dùng.

Nước dùng này sẽ đậm vị hải sản rất ngon miệng.

lẩu thái 8

Trong lúc đợi hầm xương hoặc đầu tôm, bạn dùng một chảo khác chuẩn bị phần gia vị lẩu thái.

Bạn cho vào chảo 2 thìa dầu ăn, khi dầu nóng cho hành băm vào đảo đều đến khi thấy mùi thơm.

Sau đó, bạn cho lần lượt tỏi, riềng và phần sả cắt lát vào xào chung. Ở bước này, bạn nhớ cho hành vào trước bởi vì hành lâu chín nhất.

Khi thấy nguyên liệu trong chảo vàng đều, bạn nhớ hạ lửa nhỏ để không bị cháy khét.

Bạn cho thêm vào chảo 1 thìa canh sa tế để dậy mùi thơm hơn.

Lưu ý nếu gia đình bạn ăn cay không tốt, bạn hoàn toàn có thể bỏ bước này cũng không ảnh hưởng nhiều đến mùi vị của nước dùng. Tùy vào khẩu vị của mỗi nhà, các bạn có thể điều chỉnh lượng sa tế nhé.

Sau đó bạn cho cà chua và dứa vào chảo, đảo đều đến khi chín mềm. Ở bước này bạn cứ để lửa nhỏ và đừng lo hành tỏi bị cháy nhé vì cà chua và dứa sẽ tiết ra nước.

lẩu thái 9

Bạn nêm vào chảo đường phèn và 3 thìa nước mắm đảo đều để các gia vị quyện lại vào nhau.

Trút bỏ chảo cà chua, dứa xào vào nồi nước hầm xương. Bước này bạn cũng cho nước cốt me vào cùng luôn nhé.

Nêm thêm nước mắm, bột nêm cho vừa khẩu vị gia đình bạn. Bạn nên nêm hơi nhạt một chút, vì khi đun tiếp, nước cạn bớt sẽ khiến cho nước dùng mặn hơn.

Bạn vò nát lá chanh và bỏ vào nồi nước dùng. Lá chanh thay vì vò nát bạn có thể xắt nhỏ cũng được nhưng vò sẽ khiến lá chanh tiết ra tinh dầu nhiều hơn.

Nếu muốn nước lẩu béo ngậy hơn bạn có thể cho thêm vào nồi nước dùng khoảng 2 thìa canh nước cốt dừa hoặc nửa quả dừa tươi. Khi thêm nước cốt dừa, bạn lưu ý không được đảo manh, chỉ khuấy nhẹ nhàng và để nước sôi lăn tăn.

Đun tiếp đến khi nồi nước dùng sôi trong vòng 3 – 5 phút thì tắt bếp. Vậy là bạn đã hoàn thành công đoạn quan trọng nhất trong món lẩu Thái rồi. Đến bước này, bạn sẽ phải xuýt xoa vì mùi thơm này đấy.

Bước 3: Làm nước chấm đúng điệu

Nước dùng ngon, đồ nhúng tươi nhưng chưa có nước chấm phù hợp sẽ khiến cho món ăn bớt ngon đi vài phần.

Công thức làm nước chấm cũng rất đơn giản, chấm hải sản rất gì và này nọ. Không những hợp để làm nước chấm cho món lẩu, bạn còn có thể dùng để ăn với hải sản hấp.

Bạn chỉ cần cho vào máy hỗn hợp nước cốt 1 quả chanh, 3 muỗng cà phê đường, 3 muỗng cà phê muối. Bạn một quả ớt xiêm bỏ hạt băm nhuyễn, tránh dùng hạt ớt vì không tốt cho dạ dày. Lá chanh bạn bỏ cuống, xắt nhỏ cho vào cùng 1 chút wasabi. Bật máy lên xay đến khi các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau là đã hoàn thành rồi.

Nếu không có máy xay, bạn cho toàn bộ các nguyên liệu khô vào cối và giã nhuyễn. Sau đó, bạn thêm nước cốt chanh, wasabi vào khuấy đều là được.

lẩu thái 10

Bên cạnh đó cũng có 1 công thức chấm khác mà đơn giản và cũng dễ thực hiện. Bạn mua gói gia vị lẩu Thái bán sẵn ở cửa hàng tạp hóa hoặc siêu thị. Khi ăn bạn chỉ cần cho 1 thìa gia vị lẩu thái ra bát nhỏ, chế thêm nước dùng lẩu là đã có được 1 bát nước chấm rồi.

Bước 4: Cách Làm Lẩu Thái - Hoàn thành

Phần nước dùng cũng đã xong, nguyên liệu nhúng lẩu cũng đã sẵn sàng rồi.

Giờ bạn chỉ cần bày biện ra cho đẹp mắt, chụp vài ba chiếc ảnh sống ảo post Facebook rồi thưởng thức thôi 😋.

Bạn cho phần nước dùng vào nồi lẩu, chỉ cho vào tầm một nửa đến 2/3 nồi tránh cho nhiều quá vì khi nước sôi dễ bị trào. Trong lúc ăn nếu thấy nước cạn thì bạn cứ thêm nước vào.

Món lẩu Thái thơm ngon tròn vị là phải có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và beo béo hòa quyện vào nhau. Cộng thêm mùi thơm từ sả và lá chanh lại càng thêm hấp dẫn.

Nhúng hải sản nóng hổi, chấm nhẹ vào bát nước chấm đặc biệt nữa chắc chắn sẽ khiến cả gia đình bạn xuýt xoa.

lẩu thái 11

Bạn có thể biến tấu món lẩu Thái thành canh Tom Yum cũng rất ngon nhé. Tương tự như làm nước dùng lẩu Thái. Khi nước dùng sôi bạn cho mực, tôm vào đun đến khi chín tới.

Canh Tom Yum ăn khi còn nóng sẽ giúp bạn cảm nhận được trọn hương vị hơn. Nếu nấu xong trước khi ăn lâu thì bạn nên hâm nóng lại trước khi ăn nhé.

lẩu thái 12

Lưu ý khi ăn lẩu Thái

Để thưởng thức món lẩu Thái được ngon hơn, bạn nên trụng rau và thịt bò ăn từ từ, ăn đến đâu trụng đến đó.

Nếu để rau lâu trong nồi nước dùng sẽ khiến rau không còn giữ được độ giòn và màu xanh đẹp mắt.

Khi nhúng thịt bò không nên để quá lâu vì sẽ khiến thịt bị dai.

Ngao cũng không nên nhúng quá lâu trong nồi nước lẩu vì sẽ khiến ngao không còn giữ được độ ngọt. Và vỏ ngao ngâm lâu trong nước nóng cũng không tốt.

Bên cạnh đó, do phần lớn đồ nhúng lẩu là hải sản nên bạn không nên ăn kèm cùng thực phẩm giàu vitamin C vì có thể gây nên ngộ độc.

Lẩu Thái có vị đặc trưng là chua cay, nên những người bị bệnh dạ dày không nên ăn nhiều. Trong công thức lẩu Thái tại gia bạn nên gia giảm lại để tránh ảnh hưởng nhất có thể.

Bảo quản khi còn dư đồ ăn

Nếu nước dùng lẩu không hết, bạn hãy cho vào hộp đậy kín và bỏ tủ lạnh. Sáng hôm sau chỉ cần đun nóng lên, cho mì tôm vào. Nếu thích bạn có thể cho thêm những topping khác cho vừa miệng là đã có ngay bữa sáng ấm bụng rồi.

Phần nước dùng này có thể bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 1 – 2 ngày nhưng tốt nhất nên dùng trong ngày để bảo đảm dinh dưỡng nhé.

Còn phần hải sản sống chưa nhúng nếu còn thừa, bạn chỉ cần cho vào các hộp nhỏ, cấp đông để giữ độ tươi ngon. Khi nào cần nấu chỉ cần bỏ ra rã đông là dùng được

Về phần rau nếu thừa, bạn phải để rau ráo nước hoàn toàn. Nếu nhà có dụng cụ quay rau bạn có thể cho vào để tiết kiệm thời gian. Khi rau đã khô hoàn toàn, bạn bọc khăn giấy quanh rau rồi cho vào hộp hoặc túi đựng thực phẩm. Cách làm này giúp rau không bị úng và vẫn giữ được độ tươi giòn.

lẩu thái 13

Cách nấu lẩu Thái bằng gói gia vị

Nếu không có nhiều thời gian chế biến nhưng vẫn muốn ăn lẩu Thái, bạn có thể nấu bằng gói gia vị mua sẵn. Tất nhiên sẽ không trọn vị bằng nấu theo cách truyền thống nhưng có thể cứu cánh cho những ngày bận rộn cũng rất tuyệt phải không?

Bạn vẫn phi thơm hành tỏi với đầu ăn như bình thường. Khi thấy đã ngả vàng và có mùi thơm thì cho cà chua và dứa vào xào chung đến khi mềm.

Sau đó cho 1,5 lít nước dùng xương hầm. Nếu không có nước ninh xương bạn cũng có thể cho nước lạnh và thêm nước 1 quả dừa cũng thơm ngon. Nếu có bạn đập thêm 2 cây sả và vò 2 lá chanh cho vào nồi nước dùng cùng gói gia vị lẩu Thái. Nêm nếm cho vừa miệng và đun sôi là dùng được.

lẩu thái 14

Hơn cả độ thơm ngon của món lẩu, ý nghĩa hơn khi tất cả các thành viên được quây quần bên nhau. Món lẩu đơn giản, không quá cầu kì lại dễ ăn, chuẩn bị nhanh nên luôn được ưu tiên trong mỗi lần tụ tập.

Cuối tuần này hãy chiêu đãi cả nhà món lẩu Thái theo công thức Thật là ngon chia sẻ bạn nhé!

Bên cạnh đó còn rất nhiều món lẩu khác cũng đưa miệng mà Thật là ngon đã chia sẻ:

Bạn còn thích món lẩu nào nữa thì chia sẻ cùng bọn mình trên Facebook Group nhé!

*Ảnh: Sưu tầm

Bài viết bởi Diệu Linh
Chào các bạn, mình là Diệu Linh. Với niềm đam mê ẩm thực bất tận mình luôn mày mò nấu ăn với nhiều công thức khác nhau. Hi vọng bài viết của mình có thể chia sẻ thêm cho bạn công thức, những mẹo làm bếp hay ho cho bạn. Hãy vào bếp cùng mình nhé!
5 from 1 vote (1 rating without comment)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chấm Điểm




Bài viết Khác

Ủng hộ

Chi phí hoạt động của Thật Là Ngon hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của bạn đọc.
Hãy hỗ trợ chúng tôi bằng cách sử dụng link giới thiệu bên dưới mỗi khi mua sắm.
Xin chân thành cám ơn bạn!
databaselayers