Nộm rau muống giòn ngon khó cưỡng.
“Nghề ăn cũng lắm công phu”. Cách làm nộm rau muống tuy đơn giản nhưng để chuẩn vị cũng cần có bí quyết riêng.
Miền Bắc gọi nộm rau muống. Còn xứ nẫu miền Trung quê mình gọi là gỏi.
Nhà mình ai cũng “ghiền” loại rau dân dã này. Ngày hè oi nồng, kệ bếp của mẹ luôn trữ sẵn hũ rau muống ngâm chua ngọt. Cha lại thích rau non luộc mềm, vắt tí chanh, chấm nước mắm nhĩ cay nồng tỏi ớt. Những hôm mát trời, mâm cơm luân phiên nhau, rau muống xào tỏi, xào dầu hào, rau muống nấu hến, rau muống nấu khoai sọ…
Riêng món nộm rau muống góp mặt quanh năm vì nhanh gọn, dễ làm mà lại đưa cơm. Bữa ăn vội trong mùa cấy gặt, đôi khi chỉ có đĩa nộm, mấy miếng đậu hũ chiên giòn kèm bát canh tập tàng. Vậy mà vẫn vơi hết nồi cơm lúa mới.
Trong bài viết dưới đây, Thật Là Ngon sẽ giới thiệu với bạn công thức làm món nộm rau muống tươi giòn hấp dẫn.
Mời bạn cùng tham khảo!
Rau muống mua về, bạn nhặt bỏ phần cuống già. Bỏ hết phần lá, chỉ chừa lại 1-2 mầm lá nhỏ trên ngọn.
Với những cọng rau quá dài, bạn có thể nhặt thành 2-3 đoạn ngắn cho dễ ăn.
Bạn ngâm rau trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi rửa sạch.
Vạn sự tùy duyên! Vạn món ngon tùy nguyên liệu chuẩn!
Thế nên để có món nộm rau muống tươi giòn, trước hết bạn cần chú ý đôi chút khi chọn mua rau.
Mẹ mình thường nói “Rau non như gái còn son”. Vậy mà mình vẫn hay quên, vẫn có lần ham hố chọn rau muống cọng to. Kết quả rau quá già, trộn nộm vừa khô dai, vừa lẫn vị chát của nhựa rau. Sau vài lần “va vấp”, mình rút ra kinh nghiệm nên chọn bó rau non, cuống nhỏ, thân cỡ tầm chiếc đũa là vừa.
Tiện đây, mình cũng xin nói thêm về cách nhận biết rau muống nước và rau muống cạn.
Rau muống nước (rau muống tía) thường có thân lá to, màu đỏ tía hoặc xanh đậm. Ở quê mình, loại rau này được trồng chủ yếu nơi ruộng ao ngập nước. Ngược lại, rau muống cạn thân nhỏ, lá mảnh dài như lá tre. Nó còn có tên gọi khác là rau muống tre hay rau muống trắng.
Mình đã làm nộm bằng cả hai loại rau này. Và theo khẩu vị chủ quan của riêng mình, rau muống cạn tuy nhạt hơn rau muống nước nhưng lại giòn hơn. Bởi vậy, nó cũng phù hợp hơn cho món nộm.
Rau muống sau khi rửa sạch, bạn cho vào nồi nước sôi, chần sơ qua trong 2 phút. Sau đó, vớt ra và cho ngay vào tô nước đá lạnh, ngâm khoảng 5 phút nữa.
Món nộm có giòn sần sật, xanh mướt hay không, tất cả đều phụ thuộc ở công đoạn này. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ bỏ túi của mình. Xin chia sẻ để bạn cùng tham khảo:
Rau muống sau khi vớt khỏi nước đá lạnh, bạn nên để trên rổ thưa cho rút bớt nước. Rau mùi, kinh giới cũng vẩy thật ráo nước rồi mới thái nhỏ. Tất cả các loại rau đều phải khô ráo. Có như vậy, khi trộn mới tránh được tình trạng món nộm bị lỏng bỏng nước.
Phần lạc rang, bóc vỏ giã dập. Tỏi băm nhuyễn, ớt thái lát. Tùy khẩu vị gia đình (ăn cay hoặc ít cay), bạn có thể gia giảm lượng ớt cho phù hợp.
Bát nước mắm trộn nộm đạt chuẩn phải có vị chua cay mặn ngọt hài hòa. Ở đây, loại nước mắm được sử dụng là thành phần quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hương vị thơm ngon của món ăn.
Với món nộm rau muống, mình thường dùng nước mắm có độ mặn vừa phải. Pha theo tỷ lệ 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 2 thìa nước cốt chanh. Các bước lần lượt như sau:
Nếu như không có sẵn loại nước mắm với độ mặn lý tưởng, bạn cũng đừng quá lo lắng. Độ mặn hoàn toàn có thể được cân bằng bằng cách thêm nước lọc hoặc tăng lượng đường.
Hãy cứ tự tin pha chế theo công thức “tổ tiên” mách bảo bạn nhé!
Đến đây, món nộm rau muống đã gần như hoàn thành. Bây giờ chỉ cần một vài thao tác cơ bản là có thể thưởng thức ngay món ăn hấp dẫn. Những gì bạn cần lúc này là một chiếc tô, một chiếc đĩa và bao tay sạch.
Bạn cho rau muống vào tô, rưới đều nước mắm rồi đeo bao tay và trộn đều. Tiếp tục, bạn cho rau kinh giới, rau mùi vào trộn chung.
Trộn nộm nhất thiết phải trộn bằng tay, bằng tay và… bằng tay bạn nhé! Điều quan trọng phải nhắc lại 3 lần😁
Trộn xong, bạn đợi tầm 3 đến 5 phút cho rau ngấm trọn gia vị rồi bày nộm ra đĩa, rắc lạc rang lên trên. Thêm vài miếng ớt trang trí cho đẹp mắt 😍.
Từ phiên bản truyền thống, nộm rau muống còn được biến tấu linh hoạt theo nhiều “phong cách” khác nhau. Chẳng hạn như nộm rau muống thịt bò, nộm rau muống tép đồng, nộm rau muống chẻ, nộm rau muống chay…
Cách trộn về cơ bản vẫn tương tự món rau muống nộm lạc nói trên. Khác chăng chỉ là ở khâu chế biến các loại nguyên liệu bổ sung.
Bạn có thể tham khảo một vài món nộm dưới đây để đa dạng thêm thực đơn hàng ngày.
Với 500 g rau muống, bạn dùng khoảng 200 g thịt bò. Thịt thái mỏng vừa, ướp chút hạt nêm, đường, dầu ăn.
Bạn bắc chảo lên bếp, phi thơm tỏi, cho thịt bò vào đảo đều trên lửa lớn. Khi thấy thịt chín tái thì tắt bếp, rắc hạt tiêu cho dậy mùi.
Bây giờ bạn cho lần lượt rau muống đã chần, thịt bò, giá, rau thơm, rưới nước mắm nộm rồi trộn đều. Cuối cùng bày ra đĩa và rắc lạc rang lên trên là có món nộm thơm ngon lại giàu dinh dưỡng.
Vì là món nộm chay nên chúng mình cần dùng nước mắm chay nhé!
Ngoài ra, để tăng thêm phần hấp dẫn thì bạn thêm một số nguyên liệu như: Đậu hũ, tàu hủ ki, ớt chuông đỏ. Phần nguyên liệu này cũng chỉ cần sơ chế đơn giản thôi:
Cũng như bao món nộm khác, bạn pha nước mắm rồi trộn nộm là hoàn thành!
Bạn pha nước mắm theo công thức: 4 thìa đường, 1/3 thìa hạt nêm chay, 1 thìa nước cốt chanh, 1 thìa nước mắm chay. Sau đó, bạn cho rau muống cùng tất cả nguyên liệu vào tô, trộn đều với nước mắm.
Và cũng đừng quên rắc thêm ít lạc rang để món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn!
Món nộm rau muống đặc biệt thích hợp vào những ngày hè nóng bức. Thử gắp một miếng nộm mướt xanh. Cảm nhận vị rau muống tươi giòn. Vị tỏi ớt cay nồng. Lạc rang thơm thơm bùi béo. Đủ đầy chua cay mặn ngọt quyện lẫn.
Một món ăn tuy chế biến giản đơn nhưng vẫn tinh tế, đậm đà trọn vị.
Chúc bạn sẽ thực hiện thành công món nộm rau muống cực kỳ “đưa cơm” này. Cũng đừng quên ghé thăm Thật Là Ngon để trải nghiệm thế giới ẩm thực phong phú, muôn vạn sắc màu bạn nhé!
*Ảnh: Nguồn Internet