Món tráng miệng trứ danh của nước Ý
Những ngày thời tiết nóng nực mà được thưởng thức một phần Panna Cotta chanh leo sau bữa ăn thì còn gì hoàn hảo hơn nữa. Cách làm Panna Cotta chanh leo cũng không hề khó, hãy cùng vào bếp và chuẩn bị cho gia đình bạn nhé!
Có bạn nào đã từng đi ăn ở nhà hàng nhưng lại gọi thêm phần tráng miệng vì quá mê Panna Cotta không? Quả thật làm sao có thể ngó lơ món tráng miệng mềm mịn, beo béo này chứ.
Panna Cotta là một món tráng miệng truyền thống của Ý. Tuy chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chính xác khởi nguồn của Panna Cotta nhưng nó đã chinh phục được thực khách khắp thế giới.
Mặc dù thành phần rất nhiều kem, sữa nhưng Panna Cotta lại không bị ngán khi ăn. Có thể do những loại quả ăn kèm, nước sốt với món này vừa làm tăng hương vị vừa kích thích vị giác.
Qua thời gian, Panna Cotta đã được biến tấu thêm nhiều hương vị nhưng nó chưa bao giờ hết hot. Hôm nay, Thật Là Ngon sẽ chia sẻ công thức Panna Cotta kết hợp với thạch chanh leo thơm ngon mà cực kì dễ làm.
Panna Cotta sẽ được đổ khuôn vào trong các hũ/ cốc nên chúng mình chú ý nên làm sạch và tiệt trùng chúng trước nhé! Nếu nhà có máy tiệt trùng bạn có thể cho vào để tiệt trùng. Nếu không có bạn đun 1 nồi nước sôi sau đó cho các lọ vào và đun thêm khoảng 5 phút.
Sau đó bạn cẩn thận dùng kẹp để vớt ra, hũ thủy tinh rất nóng nên bạn khéo léo để không bị bỏng nhé! Bạn úp ngược hũ để hũ khô hoàn toàn.
Bạn nên để hũ khô tự nhiên chứ không nên dùng khăn hay giấy lau nhé!
Giờ thì bắt tay chuẩn bi các nguyên liệu chính để làm Panna Cotta chanh leo nào!
Sữa tươi và whipping cream bạn chọn mua loại gia đình mình thường sử dụng. Đối với mình thì thường dùng whipping cream của Anchor và sữa tươi không đường của Vinamilk.
Nếu sữa và whipping cream để tủ lạnh thì bạn lấy ra vừa đủ theo công thức và để ở nhiệt độ phòng. Bạn tránh lấy cả hộp ra để hết lạnh, dùng rồi cất vào lại tủ lạnh vì dễ làm cho sữa hỏng, không đảm bảo dinh dưỡng.
Để phần sốt chanh leo thơm ngon bạn cũng phải có bí quyết chọn mua những quả chanh leo chuẩn. Khác với những loại quả khác, những quả có vỏ ngoài nhăn nheo, hơi khô mới là chanh leo ngon.
Những quả chanh leo chín già thường có mùi thơm đậm đặc trưng và có vẻ đặc khi lắc nhẹ (Ảnh trái). Nhưng quả trơn láng, cầm nhẹ tay là những quả chưa già. Chanh leo non thì thường dày vỏ, ruột ít và kém thơm (Ảnh phải).
Bạn chuẩn bị thêm một cái rây mắt nhỏ để lát nữa lọc hạt chanh leo nhé!
Gelatin có 2 dạng: dạng lá và dạng bột. Panna Cotta có thể dùng gelatin dạng nào cũng được bạn nên bạn tiện mua loại nào hơn thì dùng loại đó nha!
Nếu bạn dùng gelatin dạng lá như mình thì bạn ngâm vào trong tô nước để gelatin mềm ra. Khi ngâm bạn phải ngâm nước lạnh để tránh gelatin bị chảy. Vào những ngày trời quá nóng, bạn nên thêm đá vào bát nước ngâm gelatin để không bị chảy nhão ra.
Với gelatin bột thao tác cũng rất đơn giản. Công thức này bạn dùng 6-8 g gelatin ngâm với 2-3 thìa canh nước. Bạn chờ khoảng 5-10 phút để bột gelatin hút đủ nước và nở ra. Bột sẽ hút hết chỗ nước và tạo thành một khối như thạch.
Trong khi chờ gelatin mềm, nở, bạn cho sữa tươi và whipping cream vào nồi, đun với lửa nhỏ. Bước này bạn tránh để lửa lớn, làm sữa sôi. Bởi vì làm như vậy sẽ làm sữa bị tách béo thành lớp váng sữa lợn cợn, làm thành phẩm Panna Cotta không được mềm béo.
Bạn cũng cho đường vào luôn và khuấy nhẹ để đường tan hết nhé. Lượng đường bạn có thể điều chỉnh theo khẩu vị gia đình để phù hợp hơn.
Khi hỗn hợp trên bếp bắt đầu ấm lên thì gelatin cũng đã mềm. Nếu dùng lá gelatin thì bạn vớt ra khỏi nước rồi cho vào nối còn nếu là gelatin bột thì bạn cho luôn toàn bộ khối gelatin đã nở nhé!
Bạn khuấy đều để gelatin tan hết thì tắt bếp. Bạn nên khuấy nhẹ tay để tránh tạo bọt trong hỗn hợp.
Bạn nhớ tuyệt đối không được đun trên lửa lớn và đun quá lâu nhé! Gelatin tan hết là bạn tắt bếp luôn, không cần hỗn hợp sôi lên đâu.
Bạn thêm tinh chât vani vào khuấy nhẹ là đã hoàn thành phần cốt Panna Cotta rồi.
Lưu ý khi làm phần Panna Cotta là lượng sữa và lượng whipping cream bạn có thể điều chỉnh theo sở thích.
Nếu muốn Panna Cotta béo ngậy hơn thì bạn tăng lượng whipping cream lên. Còn nếu bạn muốn vị Panna Cotta thanh hơn thì tăng lượng sữa lên là được.
Bạn chỉ cần chú ý là tổng lượng whipping cream và sữa tươi vẫn là 500 ml nha.
Đối với mình khi làm Panna Cotta cùng những loại quả có vị chua thì sẽ tăng lên một chút whipping cream còn những loại quả vị ngọt sẵn thì tăng lượng sữa để đỡ bị ngán khi ăn.
Bạn bổ đôi chanh leo rồi cho phần ruột vào bát lớn hoặc tô. Sau đó bạn thêm vào 50 ml nước ấm khoảng 60°C rồi dùng thìa hoặc nĩa đánh nhẹ để phần nước cốt chanh leo chảy ra nhiều hơn.
Bạn sử dụng rây mắt nhỏ để lọc hạt và thu lại phần nước cốt chanh leo.
Phần hạt bạn cũng đừng bỏ đi ngay, giữ lại một phần để trang trí cho sinh động cũng được nhé!
Một số bạn thường xay chanh leo xong lọc lấy nước cốt. Nhưng bạn phải lọc rất cẩn thận vì nếu sót lại một ít hạt đen vụn sẽ khiến phần chanh leo kém đẹp mắt.
Bạn thêm nước vào phần chanh leo trên sao cho phần nước chanh leo đủ 200 ml.
Đối với gelatin bạn cũng làm hoàn toàn tương tự như mình đã miêu tả ở phần làm cốt Panna Cotta nhé!
Bạn bắc nồi lên bếp, cho nước chanh leo và đường vào đun lửa nhỏ cho đến khi đường tan hết. Sau đó bạn tắt bếp và cho gelatin đã ngâm vào khuấy đều.
Vậy là phần sốt chanh leo cũng đã xong rồi!
Panna Cotta có rất nhiều cách để trang trí. Hôm nay mình sẽ hướng dẫn bạn đổ nghiêng các lớp vào lọ nhỏ.
Đầu tiên bạn nghiêng lọ trên một cái bát khác, sau đó đổ phần cốt Panna Cotta vào.
Bạn cho các cốc này vào ngăn đá để phần Panna Cotta se mặt nhanh. Lưu ý quá trình để trong tủ lạnh bạn cũng phải để nghiêng nhé, nếu không lớp Panna Cotta không đẹp mắt.
Khoảng 10-15 phút sau là bạn có thể lấy ra và đổ thêm lớp khác vào rồi. Lưu ý không để quá lâu trong ngăn đá vì phần cốt Panna Cotta có thể bị đông lại.
Sau khi lấy các cốc ra, bạn điều chỉnh độ nghiêng của lọ một chút. Bây giờ lấy phần cốt chanh leo đổ một lớp tương tự rồi lại cho vào ngăn đá để se mặt.
Phần cốt và chanh leo còn lại bạn có thể tùy ý đổ theo số lớp và hình dạng khác theo ý thích.
Lớp trên cùng nếu thích, bạn có thể để thêm 1 vài hạt chanh leo lên trên trang trí nha!
Lưu ý trong quá trình đổ Panna Cotta và sốt chanh leo có thể bị đông lại. Nếu thấy bị đông bạn lại bắc hỗn hợp lên bếp, làm nóng lại rồi lại đổ tiếp không sao cả nhé! Bạn làm nóng bằng lửa nhỏ thôi nhé, khuấy nhẹ nhàng thấy hỗn hợp lỏng trở lại là bắc xuống luôn.
Trong khi đổ từng lớp bạn cho Panna Cotta vào ngăn đá nhưng khi hoàn thành tạo lớp xong, bạn bảo quản ở ngăn mát nhé!
Bạn có thể để nguyên Panna Cotta chanh leo trong cốc khi ăn dùng thìa thưởng thức như sữa chua là được. Nhưng nếu muốn cầu kỳ hơn bạn có thể cho Panna Cotta ra đĩa.
Bạn nhúng cốc Panna Cotta chanh leo vào nước ấm trong 5-10 giây. Lưu ý không nhúng lâu hơn vì có thể làm cho Panna Cotta bị chảy.
Sau đó bạn úp ngược cốc lên đĩa, nhẹ nhàng lấy Panna Cotta ra. Cần chú ý thêm là nếu muốn làm kiểu này, bạn phải chọn dụng cụ đựng có phần miệng lớn hơn hoặc bằng phần đáy nhé!
Vậy là bạn đã có những phần Panna Cotta chanh leo ngon không kém nhà hàng rồi. Phần cốt Panna Cotta béo ngậy kèm với phần chanh leo chua dịu rất hài hòa với nhau mà ai ăn thử cũng nghiện.
Phần cốt Panna Cotta bạn làm hoàn toàn giống như các bước ở trên nhưng thỉnh thoảng hãy biến tấu một chút với những loại hoa quả khác. Xoài, phúc bồn tử, đào ngâm,... cũng là những loại quả có thể kết hợp rất hoàn hảo với Panna Cotta.
Hoặc nếu cầu kỳ hơn bạn cũng có thể mix các vị như xoài và chanh dây lại với nhau.
Món ngon thì đã có công thức nhưng sáng tạo là ở mình. Bạn cứ tự tin dùng thêm một số loại quả mềm khác để thử nhé!
Mình sẽ chia sẻ với bạn thêm một số công thức Panna Cotta rất tuyệt.
Nguyên liệu:
Cách làm:
Phần sốt xoài làm rất đơn giản đúng không bạn? Hoàn thành xong sốt xoài bạn lại tiếp tục cho vào cốt Panna Cotta như Panna Cotta chanh dây nhé!
Nhưng lưu ý tùy vào độ chua ngọt của quả xoài mà bạn thêm hoặc bớt đường cho phù hợp. Bạn cũng không nên cho quá nhiều đường vì dễ làm Panna Cotta xoài bị ngọt quá.
Bạn có thể sáng tạo bằng cách mix vị cốt xoài và chanh leo với nhau. Bạn đổ phần Panna Cotta vào cốc, sau đó đổ lớp cốt xoài vào rồi lại tiếp tục thêm 1 lớp Panna Cotta lên nữa.
Cuối cùng bạn đổ lớp sốt chanh leo lên và trang trí thêm 1 vài hạt chanh leo hoặc xoài xắt hạt lựu là được thành phẩm rất tuyệt rồi.
Nguyên liệu:
Cách làm:
Với Panna Cotta thêm sốt quả mọng như phúc bồn tử thì chúng mình chỉ cần đơn giản đổ cốt Panna Cotta đều vào các cốc, lọ đựng. Sau khi Panna Cotta se mặt thì bạn đổ thêm một lớp sốt phúc bồn tử mỏng lên trên là được.
Bạn trang trí thêm vài quả phúc bồn tử lên trên cho đẹp mắt hơn nhé!
Nếu phúc bồn tử hơi khó mua bạn có thể dùng dâu tây, việt quất để thay thế và cách làm hoàn toàn tương tự nhé bạn!
Nguyên liệu:
Cách làm:
Thành phẩm hoàn hảo là lớp Panna Cotta trắng mịn, mềm mượt. Còn lớp sốt hoa quả có màu đẹp mắt, hương vị hài hòa chua dịu.
Chuẩn bị món tráng miệng chu đáo để mời gia đình và bạn bè sẽ khiến họ hạnh phúc lắm đấy! Vậy nên nếu có thời gian hãy vào bếp và làm Panna Cotta chanh leo đãi mọi người nha.
Bên cạnh Panna Cotta hãy tham khảo một số món tráng miệng thơm ngon, ngọt mát mà Thật Là Ngon đã chia sẻ bạn nhé.
*Ảnh sưu tầm