Chua dịu, ngậy thơm sữa lên men
Quá trình lên men của sữa chua mang lại cho món ăn hương vị thơm ngon đặc biệt và tạo ra hàng tỉ lợi khuẩn có lợi cho đường ruột. Hãy cùng Thật Là Ngon học cách làm sữa chua từ sữa đặc ngon, siêu dễ và cực kì kinh tế nữa bạn nhé!
Sữa chua là một món ăn không chỉ ngon miệng mà còn bổ dưỡng, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe và sắc đẹp. Bên cạnh đó, chúng mình còn có thể dùng sữa chua chế biến vô khối món ngon, đặc biệt thích hợp giải khát ngày hè như sữa chua nếp cẩm, sữa chua mít,...
Thật Là Ngon đã giới thiệu cách làm sữa chua từ sữa tươi, cách làm sữa chua uống, sữa chua Hy Lạp,... đều ngon tuyệt và đảm bảo thành công.
Công thức làm sữa chua đôi khi hơi lỉnh kỉnh khi yêu cầu phải đong ml nguyên liệu, đo nhiệt độ ủ. Cách làm sữa chua từ sữa đặc Thật Là Ngon giới thiệu hôm nay không yêu cầu bạn phải có bất kì dụng cụ đong đếm nào hết và chỉ cần đúng 3 nguyên liệu!
Chúng mình cùng vào bếp nhé!
Bạn tiệt khuẩn cốc đựng sữa chua bằng nước sôi, sấy khô trong lò hoặc phơi nắng trước khi ủ sữa chua nha. Nếu dùng túi đựng thì bạn chọn túi dùng cho thực phẩm nhé.
Hộp sữa chua bạn để ngoài ít nhất 1 tiếng để nó hết lạnh hoàn toàn, trở về nhiệt độ phòng.
Hộp sữa này chúng mình dùng làm sữa cái. Vi khuẩn có trong sữa cái sẽ “ăn” sữa trong 8 tiếng ủ để sinh sôi thêm, làm sữa lên men tạo thành sữa chua.
Bạn có thể mua sữa chua của bất kì hãng nào, có đường hay không có đường đều được. Nhưng bạn chú ý một vài điểm sau khi chọn mua sữa chua cái nhé:
- Sữa không có hương liệu (như vị dâu, vị trà xanh, vị việt quất, nha đam,...).
- Trên bao bì, thành phần nguyên liệu ghi có cả 2 loại men là Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus.
- Sữa còn hạn sử dụng, càng mới càng tốt.
Hộp sữa chua ở Việt Nam thường có khối lượng 100 g, là tỉ lệ thích hợp với lượng sữa và nước trong công thức này. Bạn mua sữa chua của các hãng quen thuộc như Vinamilk, TH Truemilk, Ba Vì, Cô gái Hà Lan, Đà Lạt,... thì cứ an tâm là sữa hãng nào cũng lên men tốt cả.
Sữa cái cần được để “nguội” hoàn toàn về nhiệt độ phòng. Bởi tí nữa khi chúng mình hòa tan sữa cái vào sữa ấm, đang từ lạnh gặp nóng sẽ khiến vi khuẩn sốc nhiệt chết, không hoạt động nữa. Điều này khiến sữa ủ mãi cũng không đông.
Chúng mình khui lon sữa đặc, đổ vào bát tô to.
Với cách làm sữa chua từ sữa đặc này bạn, bạn không cần lo lắng chuẩn bị dụng cụ đong để đảm bảo lượng nước. Chúng mình chỉ cần tận dụng ngay chính lon sữa đặc vừa dùng đong 3 lon nước sôi đầy, cũng đổ vào tô. Bạn khuấy nhẹ nhàng cho sữa tan hết.
Bạn cẩn thận bỏng tay nhé, lon sữa đựng nước sôi nóng lắm đấy!
Bạn nên đọc thành phần nguyên liệu trên bao bì để chọn mua loại sữa đặc có phần trăm protein cao nhất có thể để chắc chắn sữa đông tốt nha. Sữa có càng nhiều protein thì thành phẩm sữa chua càng đặc sánh.
Muốn sữa đông tốt hơn, thơm ngon hơn, 3 lon nước sôi bạn có thể thay bằng sữa tươi+nước tỉ lệ tùy thích.
Bạn từ từ rót sữa chua cái vào sữa trong bát tô, khuấy đều.
Bạn phải chắc chắn sữa chua cái đã nguội hoàn toàn về nhiệt độ phòng, còn hỗn hợp sữa đặc nguội về khoảng ấm nóng như sữa tắm, rơi vào tầm 40-43 độ C. Nhiệt độ cơ thể người là 37 độ C, bạn thấy sữa ấm hơn tay mình chút chút là được.
Sữa cái quá lạnh, hỗn hợp sữa pha quá nóng đều là nguyên nhân gây chết men. Sữa nên ấm áp để tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động.
Bạn có thể múc vài thìa sữa ấm trộn đều với sữa cái trước, để vi khuẩn trong sữa cái “làm quen” với nhiệt độ ấm nóng, sau đó mới hoàn tan sữa cái vào sữa đặc.
Nếu bạn đã ủ 1 mẻ sữa chua thành công, lần sau bạn chỉ cần giữ lại 1 hũ làm men cái, không cần đi mua sữa chua nữa!
Bạn rót sữa vào cốc/túi, đậy kín nắp hoặc buộc kín túi. Công thức này làm ra khoảng 1.3 lít sữa chua thành phẩm.
Bạn xếp cốc/túi vào nồi ủ.
Bạn pha nước nóng theo tỉ lệ sôi:lạnh là 2:1 để có được nước ủ ấm nóng khoảng 70 độ C. Bạn rốt nước nóng vào nồi ủ sao cho nước ngập 2/3 cốc/túi sữa chua. Đừng để nước ngập tận miệng tràn vào sữa bạn nhé.
Sau đó bạn chỉ cần đóng kín nắp nồi, 8-12 tiếng sau là có sữa chua ăn rồi! Bạn lưu ý suốt quá trình ủ không di động mạnh nồi ủ hoặc sữa nha vì sẽ làm sữa chua bị long chân, vữa, tách nước đó.
Nồi ủ giữ nhiệt rất tốt nên chúng mình không cần canh chừng gì cả, đập kín nắp là nhiệt độ trong nồi sẽ luôn duy trì ở mức 50 độ C.
Nếu không có nồi ủ, bạn có thể dùng nồi thường, thùng xốp,... để ủ. Với các công cụ này bạn nên bọc ngoài 1 lớp chăn dày, sau khoảng 3-4 tiếng bạn kiểm tra nhiệt độ trong nồi 1 lần xem nước còn nóng không. Nếu nước nguội thì bạn rót thêm nước sôi vào.
Trừ khi ở điều kiện mùa đông nhiệt độ xuống quá thấp, sữa chua để ở nhiệt độ phòng sau 24 giờ cũng lên men thành sữa chua. Có điều kiểu ủ nhiệt độ thấp, thời gian dài sẽ cho ra thành phẩm sữa chua chua nhiều, nhớt và hơi dính như lòng trắng trứng, không phù hợp khẩu vị Việt Nam.
Sữa chua ủ đúng nhiệt độ sau khoảng 6 tiếng đã bắt đầu đông lại nhưng còn ngọt nhiều, bạn càng ủ lâu sữa càng chua.
Nếu sau 8 tiếng bạn mở nồi ra, thấy bên trong nguội ngắt, sữa thì chưa đông, đừng hoảng nha. Bạn hãy pha nước ủ mới, để thêm 4-8 tiếng nữa, lần này thì bạn đừng quên canh chừng nhiệt độ ủ nữa nha.
Nếu sữa vẫn không đông được thì nguyên nhân là do men của bạn đã chết từ khâu chọn hũ men cái không phù hợp hoặc chết do sốc nhiệt khi hòa men vào hỗn hợp sữa.
Với trường hợp này, bạn hãy mua hũ men mới, cho tất cả mẻ sữa hỏng này vào nồi đun tới ấm nóng và lặp lại các thao tác hòa tan men, ủ sữa như trên.
Nếu bạn ủ xong, sữa trót bị nhớt rồi, bạn không thích ăn thì hãy đem sữa này làm sữa chua Hy Lạp nha, thành phẩm ngon tuyệt như thường!
Bạn cất sữa chua vào tủ lạnh hoặc ngăn đá tùy thích nha.
Sữa ủ đạt có vị chua ngọt dịu, thơm mùi sữa lên men. Ngay khi ủ xong, chưa cần cất tủ lạnh sữa đã có thể úp ngược mà không chảy ra ngoài. Sữa đặc sánh dùng thìa xúc được thành miếng, tan trong miệng. Sữa mịn mượt hoàn toàn, không long chân, tách nước hoặc vỡ.
Sữa để ngăn đá khoảng 4-6 tiếng dẻo không có dăm đá, có thể dùng thìa xắn miếng như kem.
Tuy nhiên, sữa chỉ làm từ sữa đặc và nước tất nhiên sẽ kém thơm ngậy so với sữa chua làm từ sữa tươi nha!
Ngoài ăn chung với topping như trân châu, thạch, hoa quả,... để thành các món chè hiện đại, sữa chua còn có thể dùng để làm kem 🍧, xay sinh tố, làm bánh sữa chua, bánh mousse mát lạnh ngày hè,...
Bạn hãy vào bếp và chia sẻ thành phẩm với Thật Là Ngon nhé!
*Ảnh: Nguồn Internet
Rất chi tiết 👍👍👍