Vị của mùa đông xứ Bắc
Người xưa quả là sáng tạo khi có thể tận dụng thời tiết lành lạnh mùa đông để làm món thịt nấu đông. Món này trông thế thôi chứ thực hiện khá đơn giản, hãy cùng vào bếp với Thật Là Ngon để biết thêm chi tiết nhé!
Thịt nấu đông là một trong những món đặc trưng của mùa đông xứ Bắc. Đây cũng là thực đơn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Hà Thành. Nguyên liệu làm món này thường là thịt heo. Tùy theo sở thích của mỗi gia đình mà bạn có thể chọn mua phần thịt ba chỉ, thịt chân giò hay thịt thủ.
Công đoạn hầm nhừ sẽ khiến thịt heo tiết nước mỡ trong, đây cũng là chất keo kết dính các nguyên liệu sau này. Trong điều kiện nhiệt độ thấp thì chỉ sau vài tiếng, thịt sẽ đông lại trông như món thạch dừa vậy. Vị ngọt thanh của nước mỡ đông tan ngay trong miệng quyện hài hòa với vị các nguyên liệu khác là điểm highlight đặc sắc của món thịt nấu đông.
Hãy cùng Thật Là Ngon khám phá cách làm thịt nấu đông chuẩn vị Hà Thành nhé!
Đố các bạn biết món ăn nào từ thịt heo mà có thành phần đa dạng như thịt chân giò, mỡ heo, mũi heo, tai heo, lưỡi heo,...?
Nếu bạn chưa đoán ra thì mình gợi ý là món giò xào nhé! Và bạn cũng có thể sử dụng thành phần nguyên liệu tương tự để làm món thịt nấu đông đấy.
Trong công thức làm món thịt nấu đông lần này, mình chỉ sử dụng phần thịt chân giò thôi. Bởi vì phần thịt này sau khi nấu rất mềm phù hợp để cả người già lẫn trẻ nhỏ trong nhà cùng ăn. Hơn nữa, phần thịt chân giò có nhiều mỡ da sẽ giúp thịt đông lại nhanh hơn nhưng không khiến nước dùng bị ngấy.
Thịt chân giò mua về bạn kiểm tra lại xem đã sạch lông chưa, nếu chưa thì cạo sơ qua một lần nữa. Tiếp đấy bạn bóp giò với muối rồi rửa sạch. Sau đấy bạn chần qua giò với nước sôi già có bỏ thêm gừng giã và chút rượu trắng để khử mùi. Bước này cũng sẽ giúp nước dùng của thịt đông trong hơn.
Giò chần xong, bạn đem thái thành miếng cỡ vừa ăn. Đừng thái thịt nhỏ quá nhé! Kẻo lát hầm, thịt nhừ sẽ bị vụn ra. Theo kinh nghiệm của mình, để thịt đông có thể "lên nước" trong veo như thạch thì bạn nên lọc bỏ lớp mỡ dưới da đi.
Thịt thái xong bạn cho vào âu, thêm gia vị ướp thịt vào trộn đều. Bạn ướp thịt trong 30 phút cho ngấm gia vị.
Cà rốt bạn cạo vỏ rồi rửa sạch. Bạn thái cà rốt thành từng miếng mỏng. Nếu khéo tay hơn thì bạn có thể tỉa hình hoa, lá cho đẹp.
Bạn chuẩn bị một ít nước sôi có thêm xíu muối để chần cà rốt trong 3 phút. Sau đó bạn vớt ra ngâm cà rốt trong bát nước đá lạnh 2 phút rồi vớt ra để ráo. Bước này sẽ giúp cà rốt giòn và giữ được sắc cam tự nhiên.
Để bát thịt đông có sắc màu bắt mắt hơn, ngoài cà rốt, bạn có thể dùng thêm nhiều loại rau củ khác như ngô hạt, ngô non, rau mùi, hành tây, trứng luộc, củ cải,…
Mộc nhĩ bạn ngâm vào nước 15 phút cho nở. Rồi bạn bóp chặt cho ra bớt nước thừa. Bạn cắt chân, thái miếng to hoặc thái sợi theo ý muốn.
Nếu ai thích ăn thịt đông có vị cay nhẹ để vừa có vị mát lạnh xen chút vị ấm nóng thì chuẩn bị thêm tiêu hạt đập rối. Nếu không thích thì bạn có thể bỏ qua thành phần này.
Hành tím bạn bóc vỏ, rửa qua rồi thái lát.
Bạn bắc nồi lên bếp, phi thơm một nửa hành tím rồi cho thịt đã ướp ban nãy vào xào săn lại (chừng 3-4 phút).
Bạn đổ nước từ từ vào cho ngập thịt, đun đến khi nước sôi bùng lên thì lập tức hạ nhỏ lửa ngay. Bạn đun trên bếp khoảng 25-30 phút cho thịt chín mềm. Trong quá trình đun bạn nhớ luôn mở hé vung nồi để cho nước thịt được trong. Thỉnh thoảng hớt bọt cho trong nước nhé!
Trong lúc chờ thịt nhừ, bạn chuẩn bị thêm một chiếc nồi/ chảo sạch khác. Bạn cho nốt phần hành tím vào phi thơm cùng dầu ăn, sau đó cho mộc nhĩ vào xào chín trong 3 phút.
Khi thịt đã nhừ, bạn trút mộc nhĩ vào nồi, nêm nếm gia vị cho vừa miệng và đun thêm chừng 5 phút rồi tắt bếp. Nếu ăn được tiêu thì bạn dần ít hạt rắc thêm vào nhé!
Khâu hầm thịt sẽ hơi lâu một tí, nên nếu nhà có nồi áp suất thì sẽ đỡ tốn thời gian rất nhiều.
Trời lạnh, nước mỡ sẽ rất nhanh đông nên bạn tranh thủ xếp tạo hình cà rốt/ củ quả vào bát/khuôn nhé! Sau đó bạn múc lần lượt xác và nước thịt vào bát.
Nước dùng trong veo là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của món thịt đông. Vì thế lúc múc nước thịt vào bát, mình hay dùng them rây lọc mắt nhỏ để gạn nước. Nhớ là nước thịt phải ngập kín phần cái nhé!
Sau đó bạn dùng đĩa đậy hoặc bọc miệng bát lại bằng màng bọc thực phẩm rồi để thịt đông lại. Nếu mùa đông thì bạn chỉ cần để ở ngoài, chẳng mấy chốc thịt sẽ đông ngay thôi. Còn bạn làm thịt đông vào mùa nóng thì bạn cất trong ngăn mát tủ lạnh chừng 6 - 8 giờ là dùng được.
Hết thời gian chờ đợi, bất cứ khi nào muốn thưởng thức món thịt nấu đông, bạn chỉ cần bỏ màng bọc thực phẩm ở miệng bát ra rồi úp bát thịt ra đĩa.
Vậy là món ăn đã sẵn sàng lên mâm rồi.
Tùy theo sở thích mà gia đình bạn có thể ăn thịt nấu đông kèm rau sống, dưa muối, dưa món, dưa chuột, hành kiệu,... và chấm cùng với tương ớt, nước mắm,…
Thịt nấu đông trước khi tạo hình được đun nhừ coi như là bước tiệt trùng kỹ. Món thịt nấu đông có thể bảo quản trong tủ lạnh để ăn trong vòng 1 tuần nhé bạn!
Thịt nấu đông thường được đựng trong chiếc bát có miệng rộng để cho dễ lấy thịt ra. Bởi vậy mà hình dạng của phần thịt nấu đông sau khi trang trí trên chiếc đĩa rất đẹp mắt. Phần nước thịt trong suốt nhìn qua lại tưởng là thạch rau câu cơ. Chúng ta có thể nhìn rõ các miếng hoa cà rốt, phần thịt mỡ bên trong dày dặn.
Miếng thịt khi ăn thấy rất mềm, ngọt, béo. Tuy có chút mỡ nhưng không hề ngấy chút nào. Gia vị được nêm nếm vừa miệng.
Gắp một miếng thịt đông lên trên cơm nóng thì xảy ra hiện tượng cực kỳ thú vị. Hơi nóng bốc lên làm nước thịt chảy ra nhanh chóng. Ăn phần cơm này thấy ngọt ngọt thơm thơm và beo béo. Thậm chí, lũ trẻ nhà mình còn tranh nhau ăn cơm với nước thịt nấu đông cơ.
Mâm cơm ngày Tết hoặc mâm cỗ mời khách mà có thêm bát thịt nấu đông trông sẽ đầy đặn sung túc lên hẳn, lại còn thể hiện sự hào sảng của gia chủ nữa đấy!
Ngoài thịt nấu đông, Thật Là Ngon còn giới thiệu với bạn rất nhiều món ăn làm từ thịt heo ngon nữa này:
Đừng quên chia sẻ kinh nghiệm của bạn và follow #thatlangon trên Facebook cũng như Instagram nha!
*Ảnh nguồn Internet