Bí quyết làm tokbokki chuẩn Hàn ngay tại nhà
Cách làm tokbokki đúng kiểu cũng dễ lắm nha!
Tín đồ hâm mộ K-Culture (trào lưu văn hóa Hàn Quốc) không thể bỏ qua nét ẩm thực phong phú, đặc sắc của xứ sở kim chi. Trong đó, có món tokbokki nổi tiếng với lớp nước sốt ớt cay đỏ đẹp mắt. Đặt chân đến Hàn Quốc, chúng ta dễ dàng thưởng thức tokbokki trong các nhà hàng lẫn quán ăn vỉa hè.
Tokbokki hay tteokbokki giờ rất nổi tiếng rồi, bạn có thể ăn tại các quán ẩm thực do người đầu bếp Hàn thực hiện hoặc một quán ăn có bày bán đồ kiểu Hàn. Thậm chí, bán có thể làm tokbokki ngay tại nhà.
Để làm tokbokki chuẩn vị thì trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, bạn cố gắng mua càng nhiều đồ có gắn mác “made in Korea” thì càng tốt nhé! Bởi vì trong tokbokki có một số thành phần không thể thay thế được.
Nhưng nếu không có đủ, bạn cũng đừng lo lắng quá nhé! Việt Nam và Hàn Quốc có một số nét tương đồng về ẩm thực, nên một số nguyên liệu cứ chọn thành phần tương tự thì hương vị tokbokki vẫn rất ngon.
Sau đây hãy cùng Thật Là Ngon xắn tay áo để sẵn sàng vào bếp nhé!
Nguyên liệu của tokbokki nếu bạn mua tất cả ở một siêu thị Hàn Quốc thì thành phẩm sẽ thật chuẩn chỉnh không chê vào đâu được.
Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện đến siêu thị Hàn tìm mua được. Hiện tại thì chúng ta đã có thể tìm mua những nguyên liệu trên mạng và trong siêu thị ở gian hàng đồ ăn uống.
Trong các nguyên liệu, mình lưu ý tới các bạn chọn mua đúng những thành phần sau:
Chúng ta bắt đầu sơ chế nguyên liệu nhé!
Hành baro, bắp cải bạn rửa với nước sạch rồi để ráo.
Bạn cắt vát hành baro thành từng lát mỏng hoặc cắt đoạn ngắn theo sở thích.
Đối với bắp cải và bánh chả cá, bạn cắt chúng thành từng miếng nhỏ hơn vừa ăn.
Bánh gạo nếu khi bỏ ra khỏi túi mà dính vào nhau, bạn hãy nhẹ nhàng tách chúng ra rồi tráng qua nước sạch và để cho ráo nước.
Bánh gạo thì tùy vào loại bạn mua khô, đông đá thì có thể cần luộc trước hoặc ngâm nước trước khi đem nấu, bạn đọc kĩ hướng dẫn trên bao bì để sơ chế cho phù hợp nhé. Thông thường bạn chỉ cần rửa qua với nước lạnh rồi cho vào nấu là được.
Nếu tự làm bánh gạo thì bạn nên chần qua trước vì bánh gạo tự làm dễ nhả bột hơn, phần tinh bột này dễ làm nước sốt bị đặc hoặc bén nồi.
Trứng luộc rất hợp với hương vị của tokbokki cay ngọt nên bạn hãy luộc trứng để cho thêm vào nhé! Bạn có thể tham khảo thời gian luộc trứng chín như ý như trong bài Cách Luộc Trứng Lòng Đào.
Sau khi luộc chín trứng, bạn ngâm trứng vào âu nước lạnh có bỏ vài viên đá rồi bóc sạch vỏ trứng.
Phần nước sốt tokbokki truyền thống có sử dụng ba loại ớt là bột ớt thô, bột ớt mịn và sốt tương ớt. Bột ớt thô và bột ớt mịn bạn có thể mua loại của Việt Nam nhưng sốt tương ớt bạn nhất định phải chọn mua loại bao bì với thương hiệu của Hàn Quốc nhé!
Loại sốt tương ớt này sẽ mang đến cho món ăn vị cay ngọt đặc trưng và màu đỏ đẹp mắt. Ngoài ra sốt tương ớt kiểu Hàn giúp cho món tokbokki có độ sệt nhẹ mà không phải cho bột năng hay bột đao.
Chuẩn bị xong nguyên liệu, đã đến lúc bạn nấu tokbokki.
Bạn chuẩn bị một chiếc nồi to rồi lần lượt cho nước sạch, nước tương, đường nâu, sốt tương ớt, ớt bột thô, ớt bột mịn và bắp cải, hành baro vào nồi.
Bạn đun sôi chúng lên khoảng 5 phút nhé! Bạn không sợ bắp cải bị nhũn nát đâu. Cải càng nhừ càng ngon mà.
Bạn không cần phải đậy vung trong suốt quá trình nấu tokbokki.
Nếu không thích ăn bắp cải, bạn có thể cho cải thảo vào cũng được nhé!
Khi nước sốt sôi lên, bạn thêm bánh gạo và trứng luộc vào.
Mình thường để nguyên trứng cho vào nấu cùng để phần lòng trắng ngấm đậm gia vị hơn, khi ăn sẽ cắt trứng sau.
Còn nếu bạn thích cắt trứng trước thì mình khuyên là khi bánh gạo gần chín thì hãy cho trứng vào nhé. Nếu bạn cho trứng đã cắt sớm thì trong lúc đun, đảo tokbokki bạn có thể sẽ làm nát hết phần lòng đỏ.
Nếu có nhu cầu thêm bột ngọt (mì chính) thì bạn hãy cho vào lúc này nhé!
Khi nước sốt sôi trở lại bạn hãy cho bánh chả cá vào. Loại bánh chả cá này thấm hút rất nhiều nước sốt. Nếu thấy nước sốt bị đặc quá bạn có thể thêm nước sạch vào đun cùng.
Bạn cứ đun thêm tokbokki với mức lửa vừa khoảng 10 phút cho nước sốt ngấm đều vào các nguyên liệu.
Thi thoảng bạn dùng muôi/ đũa đảo đều lên nhé!
Càng đun thì sốt tokbokki sẽ càng đặc lại. Đến khi đạt độ sệt mong muốn thì bạn hãy tắt bếp rồi múc tokbokki ra đĩa.
Bạn rắc thêm chút vừng bên trên là món ăn đã sẵn sàng để thưởng thức rồi.
Tokbokki thành phẩm đạt yêu cầu sẽ thỏa mãn những yếu tố sau nhé bạn:
Quả thực là vỏ bánh tráng rất đa dụng, vừa có thể làm chả giò, làm đồ cuốn, trộn, bánh tráng nướng, bánh cuốn và giờ đây là cả bánh gạo nữa.
Bắt đầu từ năm 2020 trên mạng xã hội Hàn Quốc nổi lên trào lưu làm tokbokki với thành phần bánh gạo từ vỏ bánh tráng. Bạn chú ý là dùng loại bánh tráng dày nhé!
Sau khi chuẩn bị vỏ bánh tráng thì bạn hãy thực hiện tuần tự những bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị một âu nước sạch rồi nhúng vỏ bánh tráng ướt hoàn toàn.
Bước 2: Sau khi nhúng nước, bạn trải vỏ bánh tráng ra và đợi khoảng 30 giây cho vỏ bánh mềm và dai hơn. Bạn từ từ dùng tay cuốn phần rìa mép của vỏ bánh tráng vào bên trong lòng. Cuốn cho đến hết để có thể tạo thành một ống hình trụ dài.
Lặp lại tương tự với một lớp bánh tráng bao xung quanh bên ngoài lớp vừa cuốn.
Như vậy, bạn cần cuốn hai lớp vỏ bánh tráng để tạo thành một thanh bánh gạo.
Nếu có thể đảm bảo cuốn chặt tay thì bạn hãy chập hai lớp vỏ bánh tráng vào nhau để cuốn thanh bánh gạo trong một lần cũng được.
Bước 3: Bạn hãy cắt thanh bánh gạo thành từng miếng bánh gạo nhỏ cỡ vừa ăn. Lúc này, trông viên bánh gạo cũng tròn tròn trông hay hay rồi đấy chứ? Về màu sắc thì bánh gạo nguyên liệu làm từ vỏ bánh tráng không trắng ngà như loại truyền thống mà có màu trắng đục nhìn rất đẹp mắt, thanh đạm.
Bước 4: Nấu tokbokki với thành phần bánh gạo làm từ bánh tráng cuốn như loại bánh gạo bình thường.
Với cách làm tokbokki từ bánh tráng cuốn, bạn có thể tận dụng sẵn nguyên liệu thân thuộc mua ở tiệm tạp hóa có giá bình dân thay vì tìm mua bánh gạo kiểu Hàn có giá thành cao hơn. Về hương vị thì rất nhiều người Hàn nhận xét rằng tokbokki kiểu này cũng rất dẻo, thơm ngon không khác gì bánh gạo truyền thống của họ.
Để tokbokki trở nên đầy đặn, hấp dẫn hơn, trong cách làm tokbokki chúng ta có thể cho thêm thành phần phô mai, xúc xích,… và thêm các loại rau, nấm khác. Món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn thêm chất dinh dưỡng, đảm bảo một bữa ăn ngon lành và no nê.
Phô mai sẽ được thêm vào khi tokbokki đã chín hoàn toàn và chuẩn bị được đem ra thưởng thức. Bạn rải lớp phô mai bên trên, lớp phô mai sẽ chảy ra trông thật hấp dẫn. Hãy thử tưởng tượng gắp miếng bánh gạo lên cùng lớp phô mai được kéo sợi, nghĩ đến thôi đã thấy thèm rồi các bạn nhỉ?
Công thức mình chia sẻ có thành phần bắp cải. Bạn có thể linh hoạt thay thế bằng các loại rau yêu thích như rau cải, cải bó xôi, giá đỗ,… nhé! Đối với các loại rau nhanh chín thì bạn cho rau vào khi cho cùng bánh chả cá cũng được để tránh rau bị nhừ nát.
Tokbokki mà ăn cùng với cơm cuộn kimbap hoặc gà rán đều rất là hợp đấy bạn.
Bạn cũng có thể lựa chọn làm tokbokki chay. Bạn chỉ cần thay thế chả cá bằng tàu hũ ky hay đậu cắt mỏng chiên vàng hoặc các loại chả chay và bỏ qua trứng là có món ăn thuần chay rồi.
Tokbokki truyền thống không thể thiếu lớp nước sốt tương ớt cay ngọt thơm ngon. Vị cay ngọt có sức hấp dẫn kỳ lạ không chỉ với người dân Hàn Quốc mà còn chinh phục được vị giác của thực khách bốn phương.
Thế nhưng, có nhiều người không ăn được cay do sở thích hoặc do điều kiện sức khỏe. Đối với những người không ăn được cay thì tokbokki được một số đầu bếp biến tấu thành các loại tokbokki với kiểu sốt khác độc đáo.
Tokbokki với sốt phô mai và tokbokki sốt tương đen là hai loại bánh gạo không cay được ưa chuộng.
Sốt phô mai bao gồm sữa tươi và phô mai đun chảy chắc chắn hấp dẫn, chinh phục vị giác của tín đồ nghiện phô mai và các em nhỏ.
Phần sốt phô mai có nhiều điểm tương đồng với nước sốt trong cách làm mì carbonara nên các bạn có thể tham khảo nhé!
Còn lớp sốt tương đen làm từ tương đậu nành lên men. Bên cạnh tương ớt thì tương đậu nành lên men là loại nguyên liệu được người Hàn yêu thích. Chúng có vị khá giống với nước tương/ xì dầu nhưng đặc hơn rất nhiều.
Cách làm tokbokki với sốt tương đen rất giống với cách làm tokbokki truyền thống mà mình hướng dẫn bên trên. Điểm khác biệt là bạn sẽ không cho ba loại tương ớt (bột ớt mịn, bột ớt thô và sốt tương ớt) vào mà thay bằng sốt tương đen.
Loại sốt tương đen này bạn cũng cần mua loại có thương hiệu của Hàn Quốc để đảm bảo thật chuẩn vị nhé!
Có một thời gian mình ở Hàn Quốc nên được ăn tokbokki rất thường xuyên. Món ăn này phổ biến đến nỗi mà trong hẻm nhỏ hay trên đường phố lớn ở khu sầm uất nhất đều có bán tokbokki.
Giá thành các món tokbokki tại Hàn cúng khá là chênh lệch. Cúng giống như các món bún, miến của mình. sự chênh lệch này cũng bởi những nguyên liệu thêm vào. Người Hàn có thể cho thêm hải sản, thịt bò, mì gói, bánh xếp, hành tây, cải bó xôi, miến, trứng ốp la, xúc xích,... vào để nấu cùng tokbokki.
Trong công thức tokbokki mà mình chia sẻ bên trên, thành phần nguyên liệu rất cơ bản. Nếu bạn thích thêm vào để cho món ăn đầy đặn, nhiều chất dinh dưỡng hơn thì hãy cứ thêm vào theo sở thích nhé!
Nhiều người có nói tokbokki nhiều bột, ăn một vài miếng đã no rồi. Đối với chúng ta, ăn trên đất Việt Nam thì đúng là tokbokki ăn no rất nhanh nên bạn hãy linh hoạt kết hợp với các thành phần khác nhé!
Còn thưởng thức tokbokki tại Hàn Quốc, bạn đảm bảo sẽ ăn được rất nhiều đấy! Nguyên nhân chính là do phải lấp đầy cái dạ dày, cần nhiều năng lượng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt cùng với việc đi bộ rất nhiều.
Hi vọng qua bài viết này, nếu bạn đang thèm món tokbokki thì hãy mạnh dạn chế biến tại nhà nhé! Bạn thấy cách làm không khó đúng không nào?
*Ảnh: Nguồn Internet