Trắng, giòn, ngon miễn chê!
Cách muối cà pháo 3 Không: Không thâm – Không đóng váng – Không úng mùi.
Thời tiết đang dần đi vào những ngày oi bức. Cái tiết trời này ấy mà, luôn khiến người ta thường cảm thấy ăn chẳng ngon miệng, chỉ muốn nạp nước vào người để xua đi cái nóng nực nội.
Chính vì thế mà thực đơn hằng ngày cũng được bổ sung bằng những món ăn thanh mát và giảm đi các món quá nhiều đạm. Cà muối – canh cua, một trong những cặp bài trùng không thể thiếu trong bữa cơm ngày hè.
Cà pháo giòn giòn, chua nhẹ kết hợp với vị ngọt thanh của canh cua. Bữa cơm không còn khô khan và cái miệng không còn chán ăn với bộ đôi tuyệt hảo này rồi.
“Mâm cơm dọn ở đầu hè
Canh cua, cà pháo mới nghe đã thèm
Đường vào lối ấy nhà em
Không còn bì bõm, lấm lem nữa rồi”
Không phải tự nhiên mà hình ảnh cà pháo lại xuất hiện rất nhiều trong văn thơ Việt Nam. Bên cạnh hương vị thanh đạm mà món ăn này mang lại, sự đơn giản, dễ làm lại bảo quản được lâu khiến cho cà pháo muối dưa trở thành món ăn hết sức quen thuộc của người Việt.
Dưa muối nói chung và cà pháo muối nói riêng là món ăn được làm bằng cách lên men yếm khí các loại rau củ trong nước muối hoặc dấm để kéo dài thời gian bảo quản.
Nồng độ pH thấp và nồng độ muối cao là môi trường cực kỳ hiệu quả để hạn chế vi khuẩn có hại, chính vì vậy mà với phương pháp này, rau củ được bảo quản cực kỳ lâu, có thể lên đến vài tháng (nếu để trong tủ lạnh).
Với những nước nhiệt đới như nước ta, người dân thường thích những món ăn chua nhẹ, ít nhiều có tính giải nhiệt như món cà pháo muối này.
Có rất, rất nhiều kiểu muối bằng đủ các loại rau củ, nhưng chung quy lại, có 2 dạng chính đó là muối chua (thời gian muối dài, để được lâu) và muối xổi (thời gian muối ngắn, sử dụng trong ngày).
Nếu bạn đã thử làm mãi mà không thành công, hãy để Thật Là Ngon vào bếp cùng bạn để làm cà pháo muối bằng 2 cách đơn giản mà hiệu quả nhé!
Cà muối chua hay còn gọi là cà muối nén được làm bằng phương pháp chính là gia tăng độ mặn cho nguyên liệu. Cà được phơi héo, để nguyên quả, ngâm trong hỗn hợp nước muối ấm cùng với một ít đường và nén chặt.
Cách làm này là để tạo điều kiện môi trường yếm khí và nồng độ muối cao để khuẩn men hoạt động, giúp rau củ được lên men.
Quá trình lên men không những làm tăng thêm thời gian bảo quản mà còn giúp rau củ có thêm những chất bổ dưỡng mới. Và chúng ta còn có thêm một món ăn kèm vô cùng đưa cơm.
Vậy cùng mình làm nhé!
Để cà muối được ngon, bạn chọn cà có kích cỡ vừa ăn, không quá to. Quả nào có vết hư hỏng thì nên loại ra nhé, những quả như thế sẽ rất nhanh hỏng và làm ảnh hưởng đến những quả khác nữa.
Đầu tiên, bạn đem cà pháo trải đều lên một chiếc khay/mâm, phơi trong bóng râm từ 3-4 tiếng hoặc phơi nắng 1-2 tiếng cho cà héo bớt đi. Cà được rút bớt nước sẽ giòn, ngon hơn.
Tiếp theo, chúng ta chuẩn bị nước ngâm rửa cà.
Bạn lấy 1 lít nước sạch, cho vào 1 thìa cà phê muối hạt và 100 ml giấm, khuấy cho tan hết muối.
Sau đó, bạn mang cà đã được phơi héo, cắt bỏ sạch cuống. Cắt đến đâu, bỏ vào ngâm đến đó. Bạn đừng đợi cắt hết mới bỏ vào nhé, không là chúng nó thâm xì hết lên đấy.
Cà bạn để nguyên quả mà không thái mỏng. Thái to bản hoặc để nguyên rau củ khi muối sẽ giúp nguyên liệu không quá chua và lâu hư trong quá trình muối.
Vì vậy, chúng ta thường thấy các món muối chua như cải thì sẽ để nguyên bẹ, củ cải để nguyên củ… Cà pháo của chúng ta có kích cỡ nhỏ nên để nguyên trái sẽ hiệu quả hơn.
Ngâm cà trong khoảng 20 phút, bạn rửa lại cà với nước sạch. Tiếp tục bạn cho cà sang ngâm trong 1 lít nước đun sôi để nguội khoảng 10 phút.
Hết 10 phút, bạn rửa sạch ớt, vớt cà ra và để cả hai ráo nước.
Ngâm và rửa qua nước nhiều bước như vậy cà sẽ không bị thâm, để lâu mà vẫn trắng trẻo đẹp mắt đó.
Bạn đun sôi 500 ml nước.
Khi nước bắt đầu có bọt sủi tăm thì bạn cho 2 thìa cà phê muối hạt và 1 thìa cà phê đường cát trắng vào rồi khuấy tan.
Sau khi muối và đường tan hết rồi bạn tắt bếp, để nguội một chút. Nước muối chua khi cho cà vào còn hơi âm ấm là được nhé.
Các nguyên liệu đã được chuẩn bị xong xuôi, chúng ta đã đi được nửa đường rồi đấy. Rất đơn giản phải không nào?
Bạn lấy một cái hũ thủy tinh hoặc sứ có nắp vặn chặt. Trước khi muối cà, bạn tiệt trùng hũ bằng nước sôi để loại bỏ bớt vi khuẩn.
Bạn cho cà và ớt vào, để ớt xen kẽ với cà pháo, rồi bạn đổ hỗn hợp nước muối chua vào cho ngập cà.
Khi bạn đổ vào, sẽ có một vài quả nổi lên trên mặt nước. Những quả này sẽ rất nhanh bị thâm, không được ngon và nhanh hỏng do chúng không được lên men yếm khí hoàn toàn.
Để không xảy ra tình trạng đó, bạn dùng một vật nặng đè lên trên, chén, dĩa hoặc vật gì phù hợp mà bếp nhà bạn có nhé. Hoặc bạn có thể cho nước vào một túi sạch, an toàn để nén cà.
Bạn đảm bảo nước ngập kín cà nhé. Nếu chỉ thiếu một chút thì bạn cứ thêm nước ấm vào cho ngập là được. Nhưng nếu hũ quá rộng, nước không đủ thì bạn có thể pha thêm nước ngâm với tỉ lệ như trên để đổ nước ngập cà nhé.
À, bạn cũng cần chú ý không đổ đầy đến tận nắp nhé, cần có khoảng trống giữa nước và nắp hũ để khí ga tạo ra trong quá trính lên men không làm bật nắp hũ nhé.
Bạn vặn nắp lại và để yên không mở nắp ra trong vòng 5-7 ngày là hoàn thành rồi đó. Đợi hơi lâu tí thôi nhưng mình đảm bảo chúng ta sẽ thu được thành quả cực kỳ đáng mong chờ.
Cà muối chua này ăn kèm với canh cua thì khỏi phải bàn cãi về độ ngon rồi.
Quả cà giòn giòn, chua chua, ăn kèm được cùng với rất nhiều món khác. Cà chấm mắm tôm, ăn bún đậu cũng ngon. Bày thêm ít dưa hành củ kiệu, ăn kèm bánh chưng bánh tét ngày Tết cũng chống ngấy rất tốt.
Cà pháo muối theo cách này sẽ để được lâu, nhưng có nhược điểm là mất nhiều thời gian mới có thể ăn được.
Tuy nhiên, nếu bạn không có nhiều thời gian, muốn làm ăn được ngay trong ngày thì Thật Là Ngon vẫn còn một công thức khác cho bạn đây.
Cách làm này đơn giản không kém mà hương vị cũng bánh cuốn không thua gì cách muối chua đâu. Đó chính là cà muối xổi.
Các loại dưa muối xổi hay còn gọi là dưa góp, thực chất không phải là được muối (lên men) từ khuẩn men mà có được vị chua ngọt từ hỗn hợp trong hỗn hợp ướp.
Đây thực chất là một cách làm “chín” rau củ sống bằng các gia vị
Khác với dưa muối chua, các loại rau củ thường được thái to bản hoặc để nguyên. Rau củ đem muối xổi sẽ được thái mỏng để nhanh ngấm gia vị, rút ngắn thời gian muối.
Các loại rau củ thường dùng để muối xổi có thể kể đến như đu đủ xanh, cà tím, rau cải thảo, cà rốt, su hào…Và tất nhiên, nhân vật chính của chúng ta hôm nay là cà pháo.
Nào, cùng mình làm cà pháo muối xổi thôi!
Trong cách làm cà muối chua, mục đích chính của các bước làm là để giữ cho cà được trắng và không bị đóng váng khi ngâm trong thời gian dài.
Tuy nhiên, với cà muối xổi, mục đích của chúng ta chính là rút ngắn thời gian, vậy nên, các bước sơ chế cũng sẽ giản lược đôi chút.
Bạn chuẩn bị một thau nước sạch, khuấy tan 1 thìa cà phê muối hạt vào đó.
Cà pháo các bạn vẫn đem rửa sạch, bỏ cuống, sau đó bạn thái cà thành 3-4 lát tùy kích cỡ trái. Các bạn ước lượng để thái, độ dày miếng cà vào khoảng tầm 2-3 mm là vừa.
Bạn thái đến đâu, cho cà vào thau nước đến đó để cà không bị thâm nhé.
Thái hết cà, bạn ngâm trong nước muối khoảng 5-10 phút rồi đem rửa bằng nước sạch.
Cà được ngâm với nước muối sẽ héo bớt, bởi vì nước muối là một môi trường ưu trương, nước trong cà sẽ đi ra ngoài và làm cho tế bào của cà co lại.
Sinh học lớp 10, bạn còn nhớ kiến thức này không nè?
Khi học chúng ta thường cảm thấy khó hiểu và chưa hình dung ra được, nhưng khi đặt vào trường hợp cụ thể, thì lại thấy những kiến thức khô khan thực ra lại rất thực tế, gần gũi bạn nhỉ?
Quay trở lại với món cà pháo. Trong khi chờ cà ráo nước thì bạn chuẩn bị nước ngâm cà nhé.
Bạn giã nhuyễn tỏi và ớt, rồi cho thêm 1 ít đường, 1 ít muối hạt, nước cốt chanh (khoảng nửa quả), khuấy cho tan hết gia vị.
Bạn có thể nêm nếm lại cho vừa ăn với khẩu vị của gia đình bạn.
Nếu bạn thích, có thể cho thêm 1 ít tương ớt Chinsu tỏi ớt để gia tăng hương vị.
Cà chuẩn bị xong, nước ngâm cũng đã xong. Bước cuối cùng chính là cho cà vào nước ngâm, trộn cho cà thấm đều gia vị. Bạn ngâm cà như vậy trong khoảng từ 3-4 tiếng là ngon nhất.
Nếu không có nhiều thời gian thì ít nhất cũng phải để được 2 tiếng nhé. Ít thời gian hơn cà sẽ không được thấm gia vị và sẽ không ngon đâu.
Tadaa, như vậy là đã xong. Một món ăn nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực ra lại dễ như ăn kẹo bông.
Cà pháo muối xổi ăn cùng cơm nóng rất là Việt Nam luôn nhe. Cà giòn giòn, chua chua, mặn mặn hơi cay cay, ăn kèm được cùng với rất nhiều món Việt.
Mà đấy, thậm chí chỉ có một dĩa cà pháo và một tô canh cua là đã quá tuyệt vời cho một bữa cơm đạm bạc mà vô cùng ngọt lòng rồi, bác Phạm Đức Quang đã nói thế mà.
“Cà pháo giòn quả muối dưa
Đĩa cà pháo, bát canh cua ngọt lòng”
Bát canh cua thêm dĩa cà pháo luôn gợi nhớ cho mình những buổi trưa hè thôn quê. Hình ảnh giản dị, mộc mạc ấy vậy mà lại khiến người ta luôn xao xuyến khi nhớ về.
Ẩm thực là vậy, luôn mang đậm văn hóa của nơi mà món ăn đó hình thành.
Mình đi học và đi làm xa quê từ nhỏ, thời tiết như thế này luôn khiến mình nhớ đến dĩa cà mẹ làm.
Bây giờ với 2 công thức này, mình đã có thể tự làm được rồi. Có nhiều thời gian thì làm cà muối chua để ăn dần, khi nào ngẫu hứng muốn món ăn kèm đậm vị một chút thì làm cà muối xổi.
Nếu trời nóng khiến bạn chán ăn thì có thể tham khảo món cà nhà mình, nấu thêm bát canh rau ăn cho mát.
Chúc bạn thành công với món cà pháo muối nhé!
Cũng với nguyên lý muối chua, muối xổi như này, bạn cứ mạnh dạn làm thêm mấy món đồ chua nữa nhé!.
Và nhớ ghé nhà mình thường xuyên vì nhà mình còn rất nhiều món ngon muốn vào bếp cùng bạn. Have a nice day!