Canh bóng ngày Xuân đậm sắc vị Tết
Nếu như canh khổ qua là món đặc trưng trong bữa cơm Tết miền Nam thì canh bóng lại được người miền Bắc yêu thích. Không khó mà cũng chẳng dễ, đó là cảm nhận của mình khi mày mò học cách nấu canh bóng.
Canh bóng quả thực rất phù hợp với thời tiết giá lạnh của ngày Tết. Bát canh ấm nóng, bổ dưỡng được nấu từ thịt cùng nhiều loại rau củ khác nhau. Để làm được một bát canh bóng thơm ngon, người nội trợ cần chọn mua, sơ chế đa dạng các nguyên liệu. Hơi kỳ công một chút nhưng thành phẩm rất đáng để mong đợi.
Trong bài viết dưới đây, mình sẽ giới thiệu chi tiết cách làm canh bóng truyền thống. Một món ăn gói gọn sự tinh tế, cầu kỳ, tao nhã đặc trưng của văn hóa ẩm thực Hà thành.
Cùng tham khảo bài viết của Thật Là Ngon bạn nhé!
Các bà các mẹ chuộng bì thăn vì đây là loại bì ngon nhất. Nhưng làm thế nào phân biệt bì thăn, bì vai, bì dọi, bì mông khi thoạt trông những miếng bì làm sẵn đều na ná như nhau?
Không có bí quyết nào đặc biệt ngoài việc bạn phải tinh mắt quan sát thật kỹ những đặc điểm dưới đây:
Bóng bì mua về, bạn ngâm trong nước lạnh hoặc nước vo gạo khoảng 15 phút. Bì mềm, bạn vớt ra bóp ráo nước và thái miếng hình thoi vừa ăn.
Bạn thái mỏng khoảng 5-6 lát gừng, cho ra bát riêng. Phần này bạn để dành lúc sau chần xương heo.
Phần gừng còn lại, bạn giã nát, thêm rượu trắng, bóp kỹ rồi vắt lấy nước.
Bạn dùng hỗn hợp rượu gừng này bóp chung với bóng bì. Sau đó, bạn rửa lại nhiều lần với nước ấm đến khi miếng bì hết sạch mùi rượu gừng. Bạn chú ý bóp và rửa thật nhẹ tay để bóng không bị rách nhũn.
Cuối cùng, bạn phi thơm hành tím với chút dầu ăn, cho phần bóng bì đã làm sạch vào chảo. Bạn thêm tiêu, nước mắm, xào nhỏ lửa đến khi bóng chín mềm.
Nếu làm bóng cuộn, bạn để nguyên miếng. Sơ chế xong, bạn trải miếng bóng ra thớt, phết một lớp mỏng giò sống lên mặt bóng rồi nhẹ tay cuộn tròn.
Kỳ công hơn, bạn có thể cho thêm nấm hương, trứng chiên thật mỏng lên trên lớp giò. Làm cách này bóng cuộn sẽ có nhiều đường vân khá đẹp mắt. Sau cùng, bạn dùng chỉ hoặc hành lá trụng sơ cuốn chặt miếng bóng và đem hấp chín.
Bát canh bóng nấu theo lối cũ của người Hà Nội không thể thiếu các loại rau củ. Phần rau củ bạn có thể linh động kết hợp với nhau các nguyên liệu như đậu Hà Lan, súp lơ, cà rốt và su hào,...
Với phần rau củ, bạn bỏ vỏ, rửa sạch rồi tiến hành cắt thái:
Nấm hương sau khi ngâm mềm, bạn rửa lại lần nữa cho sạch, cắt bỏ chân.
Bạn thêm chút tiêu xay vào giò sống, trộn đều, sau đó dùng thìa quết giò vào mặt dưới của nấm.
Bạn làm lần lượt cho đến hết phần mũ nấm. Nếu hết mũ nấm mà giò sống vẫn còn, bạn có thể nặn tròn giò sống lại là được.
Nếu muốn có phần mọc son đẹp mắt, bạn có thể trộn giò sống cùng với thịt gấc xay nhuyễn hoặc dầu điều.
Bạn bắc nồi nước sôi, thêm vài lát gừng tươi, cho xương vào chần nhanh 30 giây. Sau đó, bạn rửa sạch xương với nước lạnh, để ráo.
Tiếp đến, bạn cho xương vào một nồi khác, đổ ngập nước. Bạn thêm chút muối, đường phèn, củ hành tây và ninh xương trong 20 phút.
Sau cùng, bạn vớt bỏ phần xương ống, hành tây, chỉ giữ lại nước dùng.
Món canh bóng yêu cầu nước dùng phải thật trong. Vậy nên bạn lưu ý vớt sạch bọt trong quá trình hầm xương nhé!
Bạn có thể thay thế nước hầm xương bằng nước luộc gà. Tương tự, bạn đừng quên vớt sạch lớp váng mỡ bên trên để nước canh không vẩn đục.
Sở dĩ canh bóng còn có tên gọi canh bóng thả là do cách nấu có phần đặc biệt. Người đầu bếp sẽ “thả” lần lượt từng nguyên liệu vào nồi nước dùng, tạo thành bản hòa phối vị giác tuyệt vời.
Bóng bì xào và tôm nõn ngâm mềm được cho vào nồi nước dùng trước. Đến khi nước canh sôi bùng, bạn bắt đầu thả mọc. Mọc vừa chín, bạn vớt bóng bì, tôm và mọc cho riêng ra bát.
Tiếp theo bạn cho lần lượt su hào, nấm rơm, súp lơ và cà rốt vào nồi, chần sơ qua. Rau củ không nên chần chín quá mà sẽ mất đi độ giòn ngọt và bị nhạt màu.
Khi rau củ vừa chín tới, bạn vớt ra để riêng rồi nêm nếm lại gia vị để nước canh vừa ăn.
Với bát đựng canh bóng, bạn nên chọn loại bát sâu lòng, miệng rộng giúp trang trí đẹp hơn.
Trước tiên, bạn xếp miếng bóng bì xuống đáy bát theo hình cánh hoa. Tiếp đến, bạn xếp chồng rau củ xen kẽ. Sau nữa bạn thêm vài con tôm nõn, mấy viên mọc bên trên.
Cuối cùng, bạn chan ngập nước canh nóng hổi.
Nếu làm bóng cuộn, bạn cắt thành khoanh tròn đều miếng và xếp theo thứ tự ngược lại. Phần rau củ xếp xuống đáy bát còn phần bóng cuộn đặt lên trên.
Người nấu tinh ý khi trang trí bát canh bóng luôn biết cân chỉnh thế nào cho vừa đủ. Mỗi thứ một ít, không thiếu cũng chẳng thừa, kết hợp tinh tế cả màu sắc lẫn mùi vị.
Bát canh bóng nấu chuẩn chỉnh có nước dùng ngọt thanh, thơm nhẹ mùi gừng, phảng phất mùi tôm nõn. Rau củ chín tới, không bị nát. Màu sắc xen kẽ hài hòa đẹp mắt.
Bóng bì vàng nhạt, thái miếng đều đẹp. Đậu Hà Lan mướt xanh, nấm hương nâu sẫm, cà rốt đỏ cam, súp lơ xanh đậm,... Điểm xuyến mấy viên mọc xinh xắn.
Một món ăn gói gọn sự tinh tế, cầu kỳ, tao nhã đặc trưng của văn hóa ẩm thực Hà Thành.
Có những món ăn có thể nấu quanh năm nhưng nó chỉ thực sự có hồn khi được thưởng thức vào đúng mùa, đúng dịp. Canh bóng bày mâm cỗ xuân là một trong những món như vậy.
Để bữa cơm xuân thêm phần tròn vị, mời bạn ghé thăm gian bếp Thật Là Ngon và “bỏ túi” thêm những bí kíp nấu ăn đúng điệu.
*Ảnh sưu tầm