Ngon không cưỡng nổi - Món Hoa của người Việt
Nếu như ngoài Bắc phổ biến với phở, thì trong Nam lại đặc trưng với cách nấu hủ tiếu Nam Vang.
Bắt nguồn từ một món ăn của người Hoa, chế biến từ gạo, hủ tiếu được xem như là món chính có thể dùng cho tất cả các bữa sáng, trưa, tối của người Việt.
Đến Sài Gòn bạn có thể dễ dàng bắt gặp các xe “Hủ Tíu" thân thuộc với những món ăn hủ tiếu, hoành thánh, xíu mại, há cảo….
Để nấu được một tô hủ tiếu Nam Vang đúng bài thì cần phải chuẩn bị rất kì công. Hôm nay, hãy cùng mình thử cách nấu hủ tiếu Nam Vang phong vị Sài Thành nhé!
Bắt tay vào nấu thôi các bạn!
Nước dùng là linh hồn của một tô hủ tiếu ngon đúng điệu. Vì thế hãy nấu một nồi nước dùng trong veo nhưng đảm bảo ngon từ thịt, ngọt từ xương nào.
Một cách nhỏ để khi nấu nước dùng không có mùi tanh và ngọt thịt, đó là hãy sơ chế xương và thịt trước khi nấu.
Rất đơn giản, hãy trụng sơ tất cả xương, thịt nạc vai, gan heo để khử mùi hôi cặn bẩn, vi khuẩn còn sót của thịt. Ngoài ra, bạn có thể thử dùng muối và giấm để rửa thịt trước khi ninh cũng là một cách khử mùi hiệu quả nhé.
Bạn hãy đun một nồi nước sôi, khi bắt đầu nổi bong bóng nước là đủ nhiệt độ, sau đó bỏ xương heo, thịt nạc, gan heo vào trụng sơ. Rồi bạn hãy rửa thật sạch với nước lạnh.
Theo thứ tự là trụng xương xong vớt ra rồi mới tới thịt heo và cuối cùng là gan heo. Tất cả sau khi trụng xong, bạn đều vớt ra rửa sạch với nước lạnh để cho thớ thịt săn lại.
Hành tây, củ cải lột vỏ, rửa sạch, để ráo. Hành bạn có thể chẻ làm 4, chừa lại tầm 2 cm ở phần dưới để cố định củ hành hoặc để nguyên củ cũng được. Củ cải thì cứ cắt khoanh dài tầm 5 cm.
Để nấu nước hầm thì bạn bắc 1 nồi nước khoảng chừng 2 lít lên bếp. Đun tới khi nước sôi thì bạn bỏ xương vào, đậy nắp và ninh trong vòng 1 tiếng nhé.
Ở bước này các bạn có thể dùng nồi áp suất để ninh cho nhanh hơn, thời gian khoảng từ 25 - 30 phút. Tuy nhiên nước dùng ninh bằng nồi áp suất sẽ không được trong như nước dùng ninh từ từ đâu nhé.
Trong quá trình ninh xương sẽ có nhiều bọt, váng, bạn chịu khó vớt hết bọt cho nồi nước dùng trong hơn nhé.
Để nước dùng thêm ngọt thì bạn có thể bỏ thêm hành tây và củ cải đã sơ chế vào hầm chung.
Sau khi hầm xương được 1 tiếng, bạn hãy cho thịt nạc vai và gan heo đã được trụng trước đó vào nồi nấu chung thêm 30 phút nữa là được.
Bước 3: Chuẩn bị topping cho hủ tiếu
Một tô hủ tiếu Nam Vang đầy đủ sẽ có, xương, thịt heo xắt lát, gan heo, tôm và một lớp thịt xào tỏi rưới lên trên.
Bây giờ chúng ta sẽ chuẩn bị topping cho tô hủ tiếu của mình nhé. Trong lúc hầm xương rất rảnh tay nên bạn hãy chuẩn bị các topping cho món hủ tiếu nhé.
Thịt nạc và gan heo đã được bỏ vào nồi chung với nước dùng rồi. Bây giờ bạn hãy sơ chế tôm.
Mình thường hay chọn tôm sú còn tươi, để đảm bảo độ tươi và ngọt thịt của tôm. Bạn có thể thay bằng tôm thẻ cũng được nhé, chọn loại lớn, size 20 con/1 kg là được.
Tôm sau khi rửa sạch, bạn lột vỏ, bỏ chỉ đất trên lưng, khi lột vỏ hãy chừa lại đuôi tôm để nhìn cho đẹp nhé. Để riêng tôm ra đĩa tí mình sẽ cho vào nước dùng sau nghen.
Công việc tiếp theo là chúng ta sẽ xào thịt bằm.
Thịt heo bằm sẽ được xào chín và rắc lên trên bánh hủ tiếu. Để phần thịt heo này thơm ngon thì bạn hãy trộn thịt với 1/2 thìa cafe bột nêm, 1/2 thìa cafe đường, 1/2 thìa cafe bột ngọt và 1/2 thìa cafe tiêu. Ướp thịt trong chén khoảng 10 phút để gia vị ngấm đều.
Bạn cho vào chảo khoảng 4 - 5 thìa canh dầu ăn, cho tỏi băm vào xào cho vàng. Khi tỏi dậy mùi thơm và chuyển vàng là được rồi nè.
Vớt tỏi ra chén nhỏ, nhớ chừa lại một ít trong chảo nhé. Sau đó bạn cho phần thịt đã ướp đều gia vị vào xào chung. Xào tới khi thịt săn lại là ổn. Vớt ra, để một chén nhé để riêng nhé.
Trứng cút bạn luộc chín, mẹo nhỏ để biết trứng chín hay chưa là bạn dùng đũa gắp. Trứng chín rồi thì gắp bằng đũa rất dễ bạn nhé. Sau khi luộc, bạn cho trứng vào bát nước đá lạnh 5 phút rồi bóc vỏ và để riêng.
Để tiết kiệm thời gian, sau khi cho thịt và gan vào nồi nước dùng để hầm, bạn hãy chuẩn bị rau sống nhé.
Đầu tiên là hành lá, bạn rửa sạch, cắt đầu hành để riêng, phần lá xắt nhuyễn. Làm tương tự với ngò, bạn cũng rửa sạch, bỏ gốc, xắt nhuyễn. Còn lá hẹ thì sau khi rửa sạch, bạn xắt khúc khoảng chừng 5 cm.
Cuối cùng là ớt sừng rửa sạch, xắt lát và dùng để trang trí cho đẹp nhé. Bạn cho tất cả các loại rau gia vị đã cắt nhỏ vào dĩa, để dùng sau.
Giá sau khi mua về, bạn bỏ 2 đầu rửa sạch để ráo. Để kỹ hơn thì mình hay ngâm giá với nước muối loãng, sau đó rửa nước sạch với nước lã. Nếu bạn sợ giá thâm trong lúc mình chuẩn bị, thì cứ tiếp tục ngâm giá trong nước nhé, khi nào dùng hãy vớt ra.
Rau xà lách rửa sạch, ngâm muối, để ráo.
Chanh rửa sạch, cắt 4 để ăn kèm với rau sống.
Nồi nước dùng nãy giờ đã nấu được khá lâu rồi nè, bạn vớt thịt heo, gan heo và xương ra. Gan và thịt cắt lát mỏng, đều tay và xếp ra đĩa riêng.
Tiếp đó hãy cho chén thịt xào tỏi thơm phức ở trên vào nồi nước nấu chung luôn nào. Đảm bảo bây giờ nồi nước của bạn đã rất ngọt và dậy mùi thơm lắm rồi đấy. Bạn nhớ chừa lại một tí thịt xào để mình rắc lên tô hủ tiếu làm topping nhé.
Khi nước sôi lên bạn cho tôm đã bóc vỏ vào. Vị ngọt thanh của tôm sẽ giảm bớt vị gắt, trung hoà độ ngọt cho nồi nước dùng của bạn.
À tới đây rồi thì hãy cho tất cả gia vị còn lại ở trên (bột nêm, đường, bột ngọt, tiêu) và 1 thìa canh nước mắm vào chung luôn nhé.
Tôm rất là nhanh chín nhé bạn. Nước sôi lại thì tôm cũng sẽ chín. Bạn hãy vớt tôm ra để riêng tí nữa làm topping nhé.
Lúc này bạn cho phần hành củ đã cắt sẵn ở trên vào và nêm nếm cho vừa miệng là được.
Bạn bắc lên bếp 1 nồi nước, đun thật sôi. Khi nước sôi thì cho 200 g hủ tiếu vào trụng chín trong khoảng 2 - 3 phút.
Các bạn cũng có thể dùng hủ tiếu tươi dạng vắt, khoảng 1 vắt cho 1 người là vừa đấy. Khi hủ tiếu chín rồi thì bạn vớt ra để ráo.
Hãy cho một chút dầu ăn vào nước luộc hủ tiếu, sẽ giúp cọng hủ tiếu không bị dính cục lại nhau.
Khi hủ tiếu chín sẽ nổi lên bề mặt, bạn hãy vớt ra xả nước lạnh ngay, sợi hủ tiếu sẽ dai và ngon hơn nhiều. Hủ tiếu dạng khô sẽ có thời gian luộc lâu hơn vắt hủ tiếu tươi đấy bạn.
Bước cuối cùng và cũng được mong đợi nhất là đây.
Bạn cho giá vào tô, sau đó xếp hủ tiếu lên phía trên. Tiếp tục xếp thịt heo, gan heo đã được xắt mỏng lên trên bánh hủ tiếu. Theo thứ tự là trứng cút, tôm, và thịt xào, tỏi phi vàng ở giữa. Sau cùng là múc nước dùng vào tô, rắc lên một ít hành lá và hẹ, kèm ớt sừng để trang trí nhé.
Hủ tiếu Nam Vang ăn kèm dĩa rau sống, vắt miếng chanh và một chén nước mắm ớt xắt. Ngon xuất sắc luôn đấy các bạn!
Nhắc đến Hủ tiếu Nam Vang trứ danh ở Sài Gòn, không thể bỏ qua hủ tiếu Đạt Thành, Liến Húa, Nhân Quán,… đã ghi dấu ấn trong lòng người Sài Thành bao năm nay. Hay bất cứ vị thực khách nào ghi ghé thăm cũng sẽ mong một lần nếm thử.
Mình còn nhớ cái cảm giác ngồi ăn tại vỉa hè đường Trương Định, giữa phố xá trung tâm tập nập lại có một quán hủ tiếu cật đặc trưng, với sợi hủ tiếu làm cực kì khác, dai hơn và bản to hơn, nước sốt đậm đà với gan và cật thơm mềm.
Hãy thử nếu bạn có cơ hội nhé. (Địa chỉ Hủ tiếu cật 62 Trương Định, P Bến Thành, Quận 1)
Hiện nay, hủ tiếu đã khá phổ biến ở hầu hết các vùng miền, nên hoàn toàn không khó để bạn thưởng thức được món ngon trứ danh này. Nhưng những bát hủ tiếu homemade sẽ vẫn có một sức hút riêng phải không nào?
Hãy thử tự nấu cho mình tô hủ tiếu Nam Vang theo công thức của Thật Là Ngon. Đảm bảo thành quả làm ra hoàn toàn xứng đáng với công sức bạn đã đầu tư cho món ngon này đấy!
Ngoài hủ tiếu Nam Vang, bạn cũng dễ dàng làm được các món hủ tiếu khác tại nhà như:
Cuối tuần này đổi vị cho cả nhà thôi nào!