Thức uống quyến rũ cả thế giới!
Nếu hay ghé quán cà phê, chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với Latte, một trong những loại thức uống được đông đảo thực khách ưa chuộng. Cùng Thật Là Ngon tìm hiểu về món đồ uống này nhé!
Bạn có biết rằng, ẩn chứa trong mỗi ly Latte thơm ngon là cả một hành trình vươn mình đầy ấn tượng? Latte tựa như đóa quỳnh hoa, nở muộn về đêm nhưng vẫn bừng lên hương sắc rất riêng trong vườn cà phê Ý.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Latte thường bị nhầm lẫn với Cappuccino. Nguyên nhân là do thành phần của Latte và Cappuccino hoàn toàn giống nhau, chỉ khác biệt ở tỷ lệ và cách thức pha chế.
Giả như hai loại cà phê này đều được pha trong ly sứ, bạn sẽ gặp đôi chút khó khăn để phân biệt chúng bằng mắt thường. Thậm chí, nếu chưa thật sự “sành” về cà phê, bạn cũng có thể đoán sai tên ngay cả khi đã nếm thử.
Cùng chung gốc rễ khởi sinh nhưng Latte và Cappuccino rẽ nhánh hai tầng hương vị khác biệt. Một bên dịu nhẹ, ngọt ngào, một bên kích thích đậm đà, nồng nhiệt.
Nếu bạn khao khát một nụ hôn sâu “đánh thức mọi giác quan”, hãy chọn cho mình một tách Cappuccino. Còn nếu tất cả những gì bạn tìm kiếm là cái chạm môi êm ái đầy quyến luyến, Latte sẽ là tình nhân lý tưởng.
Latte - người tình dịu dàng của bạn ẩn chứa khá nhiều bí mật thú vị.
Dù còn nhiều tranh cãi nhưng phần đông ý kiến đều cho rằng, đất nước hình chiếc ủng là quê hương khai sinh ra Latte.
Là một trong những quốc gia trẻ nhất Tây Âu, thế nhưng lịch sử văn hóa cà phê Ý lại không hề non trẻ. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi cả 3 thức uống cà phê nổi tiếng bao gồm Latte, Cappuccino và Macchiato đều khởi nguồn từ Ý.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là sự “ẩn dật” của Latte trong suốt một khoảng thời gian dài. Người Ý sử dụng thuật ngữ “caffe Latte” từ khá sớm, dẫu vậy Latte lại hoàn toàn vắng bóng trong thực đơn các quán cà phê tại Venice.
Sự nép mình khiêm nhường ấy tiếp tục kéo dài trong những năm sau chiến tranh Thế giới thứ II. Tại thời điểm đó, văn hóa cà phê Espresso của Ý đang vào mùa nở rộ. Mặc dù vậy, những cái tên được nhắc đến nhiều nhất vẫn chỉ là Espresso và Cappuccino.
Phải đến tận những năm 80 của thế kỷ XX, Latte - bông hoa nở muộn trong vườn cà phê Ý mới chính thức bung cánh nâng tầm ảnh hưởng. Latte lúc này bắt đầu phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
Latte “hạ cánh” tại thành phố Seattle (tiểu bang Washington, nước Mỹ) từ đầu những năm 1980. Đến thập niên 90, Latte nghiễm nhiên có mặt trong danh sách 4 loại đồ uống được ưa chuộng nhất tai mọi quán cà phê (cùng với Espresso, Cappuccino và Americano).
Các biến thể của Latte nóng tiêu thụ nhiều nhất ở các tiểu bang Texas, California. Con số thống kê cho thấy, trung bình có khoảng 400 triệu cốc cà phê được bán ra mỗi ngày tại xứ sở cờ hoa.
Hành trình “Mỹ tiến” xem như thành công mỹ mãn, chẳng chút trở ngại.
Không dừng lại ở đó, Latte tiếp tục tạo nên xu hướng tại nhiều quốc gia khác nhau. Trên hành trình vươn mình ra thế giới, Latte bổ sung thêm nhiều “nghệ danh” mới. Người Pháp gọi thức uống này là “café au lait”. Người Tây Ban Nha gọi Latte là “café con leche” (“cà phê sữa”).
Dù hơi muộn màng, Latte cũng đã đặt chân đến Việt Nam và thu hút cho mình một lượng “fan” cực kỳ đông đảo.
Tương tự như Cappuccino, ly Latte truyền thống không thể thiếu 3 thành phần cơ bản, đó là Espresso, sữa hấp và bọt sữa. Hiểu một cách đơn giản, Latte là cà phê Espresso đổ thêm sữa đã được đun nóng và đánh bọt bằng hơi nước.
Nếu bạn đến Ý và gọi một Latte, phục vụ sẽ mang ra cho bạn một ly sữa nóng. Đừng quá bất ngờ hay cố gắng dùng mọi ngôn ngữ cử chỉ để giải thích bạn nhé!
Bạn không sai, phục vụ không sai và cả Latte cũng không sai nốt. Bởi vì trong tiếng Ý, Latte (phiên âm ‘latte) có nghĩa là sữa. Có thể thấy, ngay trong ý nghĩa tên gọi, cà phê Latte đã ngầm khẳng định thành phần chiếm ưu thế.
Khác với Cappuccino có tỷ lệ 3 phần ngang nhau, Latte được pha chế với tỷ lệ sữa nhiều hơn. Sự khác biệt này làm thay đổi hoàn toàn hương vị.
Một ly Cappuccino chuẩn Ý bao giờ cũng là sự kết hợp cân bằng giữa cà phê Arabica đậm đà bên dưới và vị béo thơm của hỗn hợp bọt sữa bên trên. Đặc biệt, lớp bọt sữa của Cappuccino thường rất dày.
Trong khi đó, lớp bọt của Latte lại nhạt vị và mỏng mịn hơn Capucciano. Mặc dù ít “bồng bềnh” bay bổng nhưng sức hấp dẫn của Latte chẳng hề kém cạnh. Thậm chí, lớp bọt mỏng mịn còn là lợi thế giúp Latte vượt điểm Cappuccino trong “phiên bản take away” (cà phê mang đi).
Bọt sữa của Cappuccino nhiều hơn nhưng cũng nhanh bị xẹp trong quá trình di chuyển. Vì vậy, khi mua cà phê take away hoặc gọi nước online, mình thường ưu tiên lựa chọn Latte. Để không phải trải qua cảm giác hụt hẫng khi tới nơi, nhìn thấy ly cà phê vơi, tạo hình bớt đẹp.
Sự quyến rũ không thể chối từ của Latte đến từ Espresso nhẹ vị hòa cùng sữa hấp thơm béo ngậy đặc trưng.
Tỷ lệ sữa hấp nhiều hơn đã làm loãng độ đậm của Espresso. Nhờ vậy, Latte có thể dễ dàng chinh phục mọi thực khách ở các độ tuổi khác nhau, kể cả trẻ em. Đây đồng thời cũng là lựa chọn tuyệt vời cho những ai không quen uống cà phê nồng đậm.
Với những ưu thế nói trên, Latte đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc đua danh hiệu “cà phê thân thiện”.
Do lượng sữa hấp nhiều nên Latte thường được pha chế trong ly có thể tích lớn hơn Macchiato và Cappuccino. Kích thước tiêu chuẩn của ly đựng Latte khoảng 11 - 15 oz (tương đương 330 - 450 ml).
Một ly Latte thể tích chuẩn bắt đầu bằng 1 shot (30 ml) Espresso.
Nếu kích thước ly lớn hơn, Barista (nhân viên pha chế) sẽ tăng lên 2 shot Espresso. Sau đó, cốc Latte được rót thêm từ 6 - 8 oz (tương đương 180 - 240 ml) sữa hấp.
Trong quá trình rót sữa hấp (được làm nóng bằng hơi), nhân viên pha chế bao giờ cũng lắc đảo ly cà phê nhiều lần. Thao tác này giúp trộn đều nước sữa với toàn bộ lớp kem có trong Espresso. Cuối cùng, Barista sẽ đổ bọt sữa theo nhiều hình khác nhau, tạo hoa văn trang trí đẹp mắt.
Công thức cơ bản nói trên đã được áp dụng từ những năm 1980 và tiếp tục duy trì đến tận ngày nay. Tuy nhiên theo thời gian, hương vị Latte ngày càng được tinh chỉnh không ngừng với nhiều biến thể mới.
Nếu trước đó, Latte chủ yếu sử dụng sữa nguyên chất thì trong những năm gần đây, sự lựa chọn trở nên đa dạng hơn rất nhiều.
Sữa không béo và sữa hạnh nhân ngày càng phổ biến do nhu cầu ăn kiêng. Ngoài ra, còn có sữa đậu nành, sữa dừa... Vani, quế cùng nhiều loại siro khác cũng được thêm vào hàng triệu ly Latte mỗi ngày.
Vào những ngày hè nóng bức, một ly Latte đá cũng rất thích hợp giải nhiệt. Khác với Latte nóng, Latte đá không dùng sữa hấp mà thay thế bằng sữa tươi làm lạnh.
Một trong những biến thể có phần khác lạ đó là phong vị Latte bên kia châu Đại Dương. Ở đất nước chuột túi Kangaroo, Latte rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, người Úc lại có cách pha chế và phân biệt Latte tương đối “đặc biệt”.
Nếu 2 ly cà phê có tỷ lệ Espresso, sữa hấp và bọt sữa bằng nhau thì ly nào được rắc chocolate sẽ Công thức Latte của người Úc đã được tùy chỉnh linh hoạt để phù hợp hơn với thói quen cũng như khẩu vị bản đia.
Có thể pha chế Latte bằng cả ly sứ và ly thủy tinh. Ly sứ có ưu điểm giữ nhiệt tốt. Thế nhưng, với những quán cà phê đọc vị tâm lý khách hàng, họ thường ưu tiên chọn ly thủy tinh.
Mục đích là để làm hài lòng tất cả thực khách. Bao gồm cả thực khách kỹ tính nhất - những người luôn muốn thông qua qua độ dày mỏng của lớp bọt để xác định xem mình có đang uống Latte thứ thiệt hay không?
Latte, Cappuccino và Macchiato tuy cùng chung bảng thành phần nhưng lại khác nhau về tỷ lệ pha chế. Chính sự khác biệt này đã tạo nên 3 "phiên bản" cà phê với hương vị đặc trưng riêng.
Nếu đã từng thưởng thức cả Macchiato và Latte, chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng, Macchiato quyến rũ theo cách “phóng khoáng” hơn. Một ly Macchiato ngon không thể thiếu sốt caramel ngọt đậm. Cà phê dường như chỉ là nữ phụ trong “drama 3 thành phần”.
Ngược lại đối với Latte (và cả Cappuccino), cà phê giữ tròn vai nữ chính trong “cuộc tình tay ba”. Tỷ lệ sữa hấp của Latte tuy chiếm ưu thế, tạo điểm nhấn thơm béo ngậy nhưng vẫn không đi quá đà, lấn át hết hương vị của Espresso.
Hiệu ứng bùng nổ của Latte trong những thập kỷ qua là điều không phải bàn cãi. Ở mỗi quốc gia khu vực, Latte rất biết cách dung hòa với văn hóa bản địa, hình thành nên những phong cách thưởng thức cà phê khác biệt.
Tại mảnh đất khai sinh nước Ý, Latte được xem như một “loại cà phê ăn sáng”. Ban đầu, người Ý pha cà phê từ ấm Moka Pot, đổ lên sữa nóng rồi uống ngay tại nhà.
Khi Latte dần trở nên quá đỗi quen thuộc, người Ý chọn cách thưởng thức nhanh tại các quầy bar. Bước chân vào một quán bar Ý, bạn sẽ thấy không ít người đứng ngay tại quầy và “xử lý” ly Latte của mình một cách tốc độ nhất.
Cũng theo phong cách nhanh gọn, thế nhưng người Mỹ uống Latte vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong ngày.
Họ ưa chuộng cà phê thương mại - Latte mang đi (take away). Vậy nên, hình ảnh quen thuộc của người Mỹ đó là ghé Starbucks, gọi một ly Latte nóng hoặc đá tùy thích. Sau đó, họ mang theo và thưởng thức trong lúc lái xe hay đi bộ.
Trái ngược với phong cách tốc độ là phong cách nhâm nhi chậm rãi thường thấy ở người Pháp (và cả người Việt). Bên ly Latte ấm nóng bao giờ cũng rôm rả cuộc tán gẫu bè bạn, hoặc những phút giây thư giãn một mình, ngắm nhìn phố phường náo nhiệt.
Latte ban đầu đơn giản chỉ là một khối kết cấu lỏng, hòa trộn giữa Espresso và sữa nóng. Về sau, người ta bắt đầu quan tâm hơn đến việc rót bọt sữa lên cà phê để tạo hình trang trí. Cũng từ đây, Latte Art chính thức ra đời.
Theo nhiều nguồn tư liệu, khái niệm này được nhắc đến lần đầu tiên tại Ý - cái nôi của Latte.
Thế nhưng, mảnh đất màu mỡ để Latte Art phát triển lại là thành phố biển Seattle (miền Tây Bắc nước Mỹ). Trong đó, không thể không nhắc đến David Schomer - người có công đặt nền móng cho sự phổ biến rộng rãi của Latte Art trong thập niên 80, 90.
Những hình vẽ Latte Art “kinh điển” xuất hiện lần đầu tiên tại chính nhà hàng Espresso Vivace của David Schomer. Khởi đầu bằng hình vẽ trái tim vào năm 1989. Đến năm 1992, ông sáng tạo thêm hình vẽ hoa hồng dựa trên bức ảnh nhìn thấy tại một quán cà phê Ý.
Trong nhiều năm sau đó, David Schomer thường xuyên tổ chức các khóa học “Caffe Latte Art”. Những nỗ lực nhiệt thành của ông đã đưa nghệ thuật này đến gần hơn với thực khách.
Ngày nay, cùng với sự hoàn thiện và sáng tạo không ngừng, Latte Art đã trở thành “nghi thức” không thể thiếu trong pha chế Latte “chính hiệu”.
Có 2 kiểu vẽ Latte Art thường thấy, đó là rót tự do (Free Pouring) và khắc (Etching).
Hình vẽ được tạo ra bằng cách rót bọt sữa lên lớp nền Espresso. Nhân viên pha chế áp dụng kiểu vẽ này khi không có nhiều thời gian chuẩn bị.
Barista dùng dụng cụ (thường là que khuấy) hoàn thành các hình vẽ từ đơn giản đến phức tạp (thư pháp, 3D). Khắc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉn chu ở mức độ khó cao hơn. Đây thật sự là thách thức đối với một Barista mới vào nghề, đồng thời cũng là thực chứng bản lĩnh sáng tạo của một Barista lâu năm.
Trở thành nghệ nhân Latte Art thực thụ không hề đơn giản mà cần rất nhiều thời gian tập luyện, nâng cao tay nghề. Để trình diễn tác phẩm ấn tượng, Barista phải rất cẩn thận trong tất cả các khâu, từ pha Espresso, đánh bọt sữa đến rót sữa tạo hình.
Dưới đây là 4 yếu tố mà một Barista chuyên nghiệp phải nắm vững khi vẽ Latte Art.
Mỗi vị trí đổ khác nhau cho những hình Latte Art khác nhau. Hình đối xứng như trái tim, lá phong sẽ được đổ ở giữa. Với những hình phức tạp hơn, Barista sẽ đổ sữa từ trong ra ngoài.
Làm chủ dòng chảy đồng nghĩa với việc bạn đã chinh phục được yếu tố khó nhất trong Latte Art.
Dưới bàn tay pha chế điêu luyện, dòng chảy bao giờ cũng được điều tiết ở lượng vừa phải. Lớp kem sữa liền mạch, không bị đứt đoạn hay tràn ra ngoài ly.
Kỹ thuật của một Barista không chỉ khẳng định độ khéo léo, lành nghề mà còn cho thấy khả năng sáng tạo đáng ngưỡng mộ.
Nếu mới dấn thân vào Latte Art, trước tiên, bạn hãy tập vẽ thành thạo 3 hình cơ bản (hình trái tim, lá dương xỉ và hoa tulip). Nắm vững kỹ thuật vẽ nền tảng vô cùng quan trọng. Đó là tiền đề giúp bạn luyện vẽ thành
Cũng cần nói thêm, cho dù Barista có thành thạo đến đâu thì việc tạo ra tác phẩm Latte Art giống nhau như đúc trong các lần vẽ là điều không thể. Đây cũng chính là điểm độc đáo khiến thực khách say mê Latte Art. Bởi mỗi lần thưởng thức, họ lại được chiêm ngưỡng một tác phẩm mới, không trùng lặp.
“A rippled heart latte art - Is that can steal someone's heart?”
(Phải chăng trái tim Latte Art có thể đánh cắp trái tim một ai đó?)
Tự tay pha chế và thưởng thức Latte thật sự rất thú vị. Điều tuyệt vời nhất, đó là bạn tự do tùy chỉnh theo khẩu vị yêu thích và cảm nhận hương cà phê thơm nồng, tỏa lan trong căn phòng thân thuộc.
Latte tự pha chế tại nhà không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu muốn tạo ra phiên bản “tiệm cận”, gần giống nhất với hương vị Latte ngoài quán, bạn cần lưu ý một vài yếu tố sau.
Đúng chuẩn của ly cà phê Latte phải sử dụng shot Espresso thế nhưng tự pha ở nhà thì chúng mình có loại nào thì dùng loại nấy nha. Cà phê tự xay, xay sẵn để pha bằng phin hay máy, hay đơn giản nhất là dùng cà phê gói. Chú ý là cà phê đen nhé!
Nếu có máy pha Espresso thì ổn áp nhất. Không thì bạn cứ pha cà phê tùy theo sở thích và thiết bị sẵn có (pha phin, qua gấy học hay pha máy hoặc, pha hòa tan theo công thức như trên).
Nếu nghiền cà phê thì bạn đầu tư một chiếc Moka Pot - một loại ấm pha cafe theo nguyên lý áp suất nên có thể cho ra ly cà phê đậm đà gần với Espresso nhất. Giá thành của thiết bị này thấp hơn rất nhiều so với máy pha cà phê chuyên dụng.
Để ly Latte thật thơm ngon, bạn nên dùng sữa nguyên kem. Loại sữa này sau khi đun nóng không chỉ thơm ngậy mà còn đánh bọt dễ dàng.
Trải qua hơn ba thế kỷ, bông hoa cuối mùa trong vườn cà phê Ý vẫn thơm nồng ý vị như ngày nào. Hành trình kết nối, giao thoa, sáng tạo của Latte chắc chắn chưa dừng lại tại đây. Thức uống ngon tuyệt này đang và sẽ tiếp tục trở thành hiện thân của một thứ ngôn ngữ đặc biệt - ngôn ngữ cà phê.
Để thưởng thức cà phê “sành” hơn, bạn cũng đừng bỏ lỡ kiến thức về các loại thức uống tuyệt vời này nhé!