Cùng tìm hiểu về vua của các loại rau nhé!
Măng tây được biết đến là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trong vài năm trở lại đây.
Nhắc đến măng, thông thường mọi người thường chỉ nghĩ đến măng tre, măng trúc,… mà lại bỏ qua loại măng giàu chất dinh dưỡng là măng tây. Măng tây chưa thực sự phổ biến trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam.
Team Thật Là Ngon mong rằng những kiến thức bổ ích về tác dụng, cách sơ chế, chế biến hay bảo quản măng tây sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại thực phẩm này. Hi vọng măng tây sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong thực đơn của gia đình bạn.
Măng tây là loại thực vật sống lâu năm có nguồn gốc từ nước ngoài, được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Ba nước đứng đầu trong việc trồng và xuất khẩu măng tây là Trung Quốc, Peru và Mexico. Trước đây, măng tây thường được thu hoạch vào mùa xuân nhưng ngày nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, măng tây trồng và thu hoạch quanh năm trong nhà kính.
Măng tây là có tên khoa học là Asparagus officinalis. Cây măng tây gồm thân rễ mọc ngầm trong đất, lá tiêu giảm, hoa rất nhỏ. Phần được sử dụng làm thực phẩm là các chồi măng non, mọc thẳng, thân tròn, phần đầu nhỏ, có hình dạng như ngọn giáo. Chúng được thu hoạch khi phát triển đến kích thước khoảng 15-20 cm. Sau thời gian này thì măng tây sẽ có nụ và nở hoa, phần thân khô cứng lại, hóa gỗ và không ăn được.
Tại Việt Nam, măng tây được trồng nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra, măng tây cũng được trồng đại trà ở các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long, An Giang,… để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao của người dân.
Măng tây được phân thành ba loại dựa trên ba màu sắc khác biệt là màu xanh lá, màu trắng và màu tím nhưng giữa chúng không có sự khác biệt lớn về giá trị dinh dưỡng.
Măng tây được gọi là vua của các loại rau không chỉ bởi phần ngọn của chồi măng hình vương miệng đẹp đẽ, hương vị đặc trưng mà còn bởi giá trị dinh dưỡng cao khó có loại rau nào sánh kịp.
Trong măng tây chứa nhiều chất như: chất xơ, protein, gluxit (carbohydrate), và các vitamin A, C, K, B1, B2, B6,… Đặc biệt mỗi 100 g măng tây có thể đáp ứng đủ 63% lượng vitamin K và 37% lượng folate (vitamin B9) cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
Qua nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia dinh dưỡng đã phát hiện ra khi sử dụng măng tây đúng cách sẽ đem lại rất nhiều những lợi ích cho sức khỏe:
Sử dụng măng tây chính là cách bổ sung nguồn folate và rutin tự nhiên dồi dào cho cơ thể. Folate có khả năng làm giảm cholesterol xấu trong máu, ổn định huyết áp, qua đó, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ.
Còn rutin, một loại flavonoid, có tác dụng làm bền thành mao mạch và mạch máu, ngăn ngừa bệnh suy tĩnh mạch và tăng cường tuần hoàn máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Trong thành phần carbohydrate của măng tây có chất inulin đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Chất này tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi sinh vật có ích trong đường ruột phát triển.
Đồng thời, măng tây chứa nhiều chất xơ với chủ yếu là chất xơ không hòa tan có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa. Ngoài ra, một phần nhỏ chất xơ ở dạng tan được trong nước giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn trong đường ruột, giảm đầy hơi và chống táo bón hiệu quả.
Như đề cập ở trên, ăn măng tây cung cấp một lượng không nhỏ folate cho cơ thể vì vậy nó đặc biệt tốt cho mẹ bầu, tránh cho thai nhi có các dị tật bẩm sinh. Axit folic/ folate hay vitamin B9 không chỉ cần thiết cho sự phát triển trí não của thai nhi mà còn ngăn ngừa nguy cơ bị dị tật ống thần kinh, sinh non.
Với tác dụng tích cực như vậy, phụ nữ mang thai nên bổ sung măng tây và các loại thực phẩm giàu folate khác như hạt đậu gà, hạt chia, hạt bí,… trong chế độ ăn thai kỳ để đảm bảo sự tốt nhất cho thai nhi. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để tìm hiểu lượng folate mà mình cần phải nạp vào mỗi ngày để đảm bảo có được tác dụng tốt nhất nhé.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng măng tây giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Đó là bởi măng tây giúp kích thích tuyến tụy sản xuất hormone insulin làm ổn định lượng đường trong máu, đồng thời chuyển hóa các mô mỡ thành năng lượng phục vụ cho các hoạt động hàng ngày của cơ thể.
Ngoài ra, măng tây còn là nguồn cung cấp crôm, một vi chất có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh đường huyết. Đặc biệt những người bị tiểu đường thường có thành phần crôm trong máu thấp hơn người bình thường. Do đó đưa măng tây vào chế độ ăn của những người này là một cách bổ sung crôm một cách tự nhiên và hiệu quả.
Măng tây cải thiện sức khỏe tình dục cho cả nam giới và nữ giới. Trong măng tây chứa nhiều hàm lượng vitamin E, sắt, kẽm và kali giúp điều tiết hormone sinh dục, kích thích ham muốn, làm tăng cảm giác hưng phấn khi yêu.
Ở nam giới, thường xuyên ăn măng tây sẽ giúp cải thiện số lượng, chất lượng tinh trùng. Đồng thời tăng cường ham muốn và nâng cao khả năng thụ thai. Ở nữ giới, măng tây đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị hội chứng mãn kinh và thiếu máu.
Măng tây cũng rất có lợi cho chị em phụ nữ hay bị đau bụng kinh. Sử dụng thực phẩm này trong những ngày đèn đỏ sẽ cung cấp hàm lượng vitamin E và B9 dồi dào giúp xoa dịu cơn đau bụng kinh.
Chiết xuất măng tây có thể được sử dụng để làm giảm chướng bụng trước kỳ kinh nguyệt. Các chất dinh dưỡng thiết yếu trong loại rau này giúp chống trầm cảm, mệt mỏi, cũng như giảm chuột rút kinh nguyệt. Đồng thời, nó cũng giúp kiểm soát tình trạng mất máu và duy trì cân bằng nội tiết tố trong thời kỳ kinh.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hiệu quả của măng tây có tác dụng như một loại thuốc rất tốt cho hệ thần kinh. Đó là nhờ công dụng của các chất có trong măng tây:
- Măng cây có chứa hàm lượng cao các chất folate và vitamin B12, giúp ngăn ngừa nguy cơ bị trầm cảm.
- Măng tây còn cung cấp tryptophan – một loại axit có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, giúp bạn ngủ ngon hơn, tăng cường trí nhớ, có tác dụng phục hồi và làm dịu hệ thần kinh.
- Măng tây chứa chất phytoestrogen nên có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, Parkinson và Huntington. Đây là những bệnh gây nên hội chứng mất trí nhớ, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến chết não.
Măng tây có khả năng kháng khuẩn, ngăn chặn những tác hại của gốc tự do đến tế bào là do trong măng tây chứa hàm lượng vitamin C, E và protein phong phú. Bạn hãy hình thành thói quen ăn măng tây thường xuyên để cơ thể có khả năng miễn dịch tốt hơn nhé!
Ăn măng tây, đặc biệt là măng tây trắng có chứa vitamin K và canxi dồi dào giúp xương phát triển cứng cáp, khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh lý như loãng xương, thoái hóa khớp.
Măng tây được thêm vào danh sách những thực phẩm hỗ trợ làm đẹp mà chị em phụ nữ nhiều người đã nằm lòng. Vì sở hữu thành phần giàu chất xơ, lại chứa rất ít chất béo bão hòa, và 94% khối lượng của măng tây là nước, nên măng tây là thực phẩm lý tưởng dành cho người đang bị thừa cân, béo phì. Măng tây giúp giảm cân một cách an toàn, không gây tác dụng phụ như những loại thuốc và sản phẩm thức năng khác trên thị trường.
Trong măng tây có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và E, flavonoid, polyphenol. Các chất này giúp ngăn ngừa sự tích tụ của các gốc tự do có hại và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Chúng còn giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời, đồng thời giúp chống lão hóa và tăng cường sức đàn hồi cho da.
Vì vậy, bạn hãy ăn măng tây cùng những loại rau củ quả khác giàu chất chống oxy hóa để tăng cường sức khỏe và sự trẻ đẹp cho bản thân và gia đình.
Các thành phần bổ dưỡng cho mắt như vitamin A, beta aroten và glutathione có rất nhiều trong măng tây. Do đó khi sử dụng thực phẩm này thường xuyên, bạn sẽ hạn chế được nguy cơ đục thủy tinh thể hay mắc bệnh quáng gà.
Ngoài phần ăn được là chồi măng tây thì thân rễ của cây măng tây, phần mọc ngầm trong lòng đất, cũng rất tốt. Phần này thường được sấy khô để làm thuốc. Nước sắc rễ măng tây ngọt ngọt, thơm thơm, thanh mát. Trong rễ măng tây có chất kháng viêm, chống khuẩn tự nhiên nên có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như bị ho, viêm họng hay khản tiếng,...
Măng tây được lựa chọn khi chế biến cần có màu xanh tươi, không bị ngả vàng. Phần thân thẳng, cầm vào không mềm mà có cảm giác giòn cứng. Phần ngọn măng có màu xanh đậm hoặc tím nhạt, không bị uốn cong sẽ đảm bảo là những cây măng tây tươi, đạt chất lượng. Đồng thời quan sát bó măng phải đều, dày, và chặt tay. Tránh chọn những cây măng tây bị sứt sẹo hay có đốm.
Măng tây có giá bán khác nhau tùy theo mỗi loại xanh, tím, trắng và giá bán có sự chênh lệch nhiều giữa các địa điểm bán hàng. Bạn có thể dễ dàng mua măng tây tại các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng nông sản sạch và các trang thương mại điện tử.
Măng tây rất mau hỏng, nhất là khi không được bảo quản trong tủ lạnh nên bạn cần sử dụng càng sớm càng tốt sau khi mua về. Nhưng nếu không sử dụng ngay mà cần bảo quản, những lưu ý sau sẽ giúp bạn giữ măng tây được tươi ngon:
Măng tây mua về bạn để nguyên bó, không rửa mà cắm phần gốc vào thau nước lạnh trong 5 phút. Bạn tuyệt đối không để nước dính vào phần ngọn vì phần ngọn dễ bị thối khi dính nước.
Sau đó bạn quấn ⅔ phần thân dưới của măng tây trong giấy ăn nhà bếp rồi cho vào túi zip/ hộp kín và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Bạn cũng có thể dùng màng kính thực phẩm bọc bên ngoài cũng được.
Bạn buộc túm bó măng tây ở phần ngọn và phần gốc bằng dây chun, không buộc quá chặt nhé. Buộc vậy là để cố định măng tây, dễ cắt gốc hơn và cũng giúp ngọn măng tây không tỏa ra xung quanh, chạm vào phần túi nilon mà chúng mình sẽ trùm lên lúc sau.
Sau đó bạn cắt khoảng 1 cm phần gốc măng rồi cắm vào cốc nước sạch sao cho nước ngập phần gốc từ 3-4 cm. Tiếp theo, bạn dùng túi nilon chụp lên toàn bộ cốc nước và để vào ngăn mát tủ lạnh.
Măng tây rất dễ bị mất chất dinh dưỡng và không giữ được vị giòn ngọt tự nhiên. Vì vậy, công đoạn sơ chế cũng như chế biến cần được thực hiện đúng cách, tỉ mỉ để khai thác tối đa chất dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này.
Đầu tiên bạn đem cắt bỏ phần gốc già của măng tây rồi rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng. Cần giữ nguyên cả vỏ măng tây, không nên gọt bỏ đi vì phần này tập trung rất nhiều chất dinh dưỡng.
Đối với phần gốc đã cắt ra, bạn có thể đem nấu với chút đường phèn làm nước uống rất tốt trong việc lợi tiểu, thải độc gan hoặc có thể phơi khô để dùng dần.
Bạn đun sôi một nồi nước rồi cho măng tây vào trần sơ qua 2-3 phút, sau đó vớt ra thả ngay vào nước đá lạnh để giữ được màu sắc đẹp mắt.
Lát sau khi chế biến măng tây, bạn không nên đun nấu ở nhiệt độ cao hoặc nấu quá lâu gây biến chất và khiến măng bị dai nhé.
Măng tây đã sơ chế có thể bảo quản trong ngăn đá. Sau khi ngâm trong nước đá thì bạn vớt măng tây ra để ráo. Bạn xếp măng tây lên khay phẳng, cho măng tây vào ngăn đá 1-2 tiếng cho cứng lại. Sau đấy bạn mới cho măng tây vào hộp hay túi zip và trữ đông để dùng trong vòng 6-8 tháng.
Măng tây sau khi sơ chế có thể đem chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn và cách làm không quá cầu kỳ. Bạn lưu ý khi chế biến măng tây thì nêm gia vị ít nhạt thôi nhé để không làm mất đi vị ngọt thanh mát của nó.
Đơn giản nhất sẽ là măng tây áp chảo hay bỏ lò. Chúng ăn với bò bít tết thì chuẩn điệu luôn!
Để làm măng tây áp chảo, bạn chỉ cần cho đun chảy ít bơ trên chảo, có thể đảo ít tỏi băm sơ cho dậy mùi rồi cho măng tây đã sơ chế vào, đảo thêm 1-2 phút là được. Bạn thêm chút tiêu muối cho vừa ăn là được.
Nếu bỏ lò bạn vẩy chút dầu ô liu, tiêu, muối đảo đều rồi cho nướng khoảng 5-7 phút ở 200 °C nhé. Ở mấy phút cuối bạn có thể cho thêm phô mai lên để có món măng tây phủ phô mai bỏ lò hấp dẫn nhé.
Với các món xào, bạn nên cắt măng tây thành các đoạn khoảng 3-5 cm. Bạn xào chín các nguyên liệu khác rồi mới cho phần măng tây đã sơ chế vào đảo thêm 1-2 phút nữa là có thể trút ra đĩa thưởng thức.
Bạn có thể tham khảo hình ảnh các món ăn được chế biến từ măng tây nhé:
Măng tây áp chảo
Măng tây phủ phô mai bỏ lò
Măng tây với cá hồi nướng
Măng tây xào thập cẩm
Măng tây xào nui
Măng tây là thực phẩm được đánh giá nhiều chất dinh dưỡng nên ăn nhiều dễ bị đầy hơi. Bởi vậy bạn tránh ăn quá nhiều măng tây trong một bữa. Ăn một lượng vừa đủ thì giúp nhuận tràng còn ăn quá nhiều lại có thể gây táo bón, đau bụng nữa. Người ăn măng tây lần đầu nếu thấy các triệu chứng như ngứa cổ họng, phát ban, đầy hơi,… thì nên dừng lại ngay vì có thể bị dị ứng với một số chất có trong măng tây.
Trong măng tây chứa chất phản ứng với sắt, có thể làm đổi màu măng tây và còn sinh ra chất độc hại nên bạn tuyệt đối không dùng nồi sắt khi chế biến măng tây.
Những người đang điều trị bệnh bằng thuốc tây cũng không nên ăn măng tây hoặc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng món ăn này.
Khi sử dụng măng tây, mọi người đa phần đều công nhận rằng măng tây vừa ngon, lại vừa có tính thẩm mỹ, rất thích hợp làm điểm nhấn của món ăn. Măng tây có vị thanh, ăn riêng hoặc sử dụng kèm với các món ăn khác đều phù hợp.
Từng này lý do cộng với những tác dụng tốt đối với sức khỏe của măng tây mà Thật Là Ngon đã chia sẻ đã đủ để bạn muốn thử làm món ăn từ măng tây rồi chứ? Hãy sử dụng măng tây thường xuyên bạn nhé!
*Ảnh: Nguồn Internet