menu opt-in

Mẻ Là Gì? Dùng Mẻ Thế Nào An Toàn Sức Khỏe?

Mẻ Là Gì? Dùng Mẻ Thế Nào An Toàn Sức Khỏe?

Mẻ là gì? Đây là một loại gia vị truyền thống của ẩm thực Việt, có nhiều lợi ích nhưng cần lưu ý dùng đúng cách để đảm bảo sức khỏe.

Bài viết bởi Rơm, đăng ngày 28-05-2022. Cập nhập ngày 28-05-2022.

Bạn đã thường nghe đến các món ăn như bò nhúng mẻ, trâu nhúng mẻ, lẩu cá nấu mẻ? Tất cả đều là những món ăn hấp dẫn và đặc biệt kích thích khi trời se lạnh. Vậy mẻ là gì? Nó được làm từ đâu và có lợi gì cho sức khỏe?

Tiếp nối những bài viết trong chuyên mục ẩm thực, Thật Là Ngon sẽ giới thiệu đến các bạn Mẻ - Một nguyên liệu nấu ăn truyền thống của người Việt. Thông qua những thông tin thú vị mà chúng tôi chia sẻ dưới đây, hy vọng bạn sẽ có được những ý tưởng mới mẻ hơn trong việc nâng niu bữa cơm gia đình bằng những món ăn mới lạ từ mẻ.

Mẻ là gì?

Mẻ còn được gọi là cơm mẻ. Đây là một loại gia vị truyền thống của người Việt. Mẻ có nguồn gốc từ miền Bắc và ngày nay thì hầu như tỉnh thành nào cũng biết đến loại gia vị này.

Mẻ có vị chua thanh, mùi thơm đặc trưng. Nó được làm từ cơm nguội hoặc bún. Ngày nay, nhiều người chọn cách nuôi mẻ tại nhà để đảm bảo vệ sinh. Bạn cũng có thể dễ dàng mua được nó ở các tiệm tạp hóa ngoài chợ hoặc các quầy hàng trong siêu thị. Một hũ mẻ trong gia đình sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc nấu nướng các món ăn cần vị chua thanh hấp dẫn này.

Thành phần của mẻ

Mẻ gồm 3 thành phần chính:

  • Con mẻ
  • Nấm men
  • Vi khuẩn lên men lactic

Trong 3 thành phần này, vi khuẩn lactic được xem là quan trọng nhất. Từ nguyên liệu làm mẻ, vi khuẩn lactic sẽ có công dụng chuyển hóa tinh bột thành đường. Từ đường sẽ chuyển thành axit lactic. Loại axit này tạo độ chua cho mẻ và vì nó là một loại axit lên men trong môi trường kỵ khí nên sẽ ức chế được các vi khuẩn có hại cho đường ruột.

Ăn mẻ có lợi gì?

Trong thành phần của mẻ sẽ có rất nhiều axit amin. Đây là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe của người dùng. Mặt khác, trong mẻ cũng chứa nhiều nấm men. Nó cung cấp vitamin, đạm, hỗ trợ dinh dưỡng.

Ăn mẻ không chỉ giúp kích thích vị giác, nó còn mang lại hàng loạt tác dụng cho sức khỏe:

  • Tăng tiết dịch vị dạ dày giúp việc tiêu hóa thức ăn thuận tiện hơn.
  • Kích thích cảm giác ngon miệng
  • Bổ sung các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định hơn.
  • Hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại, từ đó bảo vệ hệ tiêu hóa mạnh khỏe toàn diện.

Hiểu đơn giản thì, ăn cơm mẻ không chỉ mang đến cho cơ thể cơ số nguồn dưỡng chất có lợi. Nó còn tạo ra một môi trường thuận lợi nhất cho hệ tiêu hóa, cụ thể là sức khỏe đường ruột. Hệ tiêu hòa là đầu tàu của cơ thể. Khi cơ quan này hoạt động ổn định thì sẽ kéo theo hàng loạt cơ quan khác hoạt động ổn định theo.

Không những thế, cơm mẻ có vị chua dịu và beo béo. Nó giúp món ăn trở nên ngon hơn. Ăn món ăn có mẻ vào mùa hè sẽ khiến món ăn dễ trôi hơn, giảm đi cảm giác uể oải. Ăn món ăn có mẻ vào mùa đông sẽ cảm thấy hương vị tròn trịa hơn, kích thích hơn.

Vì là nguyên liệu từ miền Bắc, nên các món ăn từ mẻ cũng đậm chất Bắc Bộ. Ốc om mẻ, cá om mẻ, canh chua mẻ, gà nấu mẻ, trâu nhúng mẻ… Hàng loạt món ăn ngon mà bạn có thể tìm hiểu và triển ngay cho gia đình mình thưởng thức.

Nguy hiểm khi ăn mẻ không vệ sinh

Theo nhiều nghiên cứu, ăn mẻ giúp món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, nó cũng là một trong những tác nhân hàng đầu gây ung thư. Vậy có phải bản chất của mẻ là gia vị không tốt?

Không. Nguyên nhân mẻ gây hại bởi vì có nhiều người làm mẻ không vệ sinh và mang bán ra thị trường. Khi không may ăn các loại này sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường cho sức khỏe.

  • Thứ nhất, dụng cụ làm mẻ không an toàn, sạch sẽ thì sẽ khiến chất lượng mẻ bị ảnh hưởng. Mẻ nhiễm khuẩn không ảnh hưởng hương vị nhưng sẽ gây tích tụ các tác nhân gây độc cho cơ thể.
  • Thứ 2, mẻ lên men không đúng cách sẽ gây nên vi khuẩn và nấm mốc. Từ đó, người ăn phải có thể mắc bệnh ung thư.
  • Thứ 3, ăn mẻ quá nhiều sẽ khiến cơ thể dư thừa axit lactic. Quá nhiều chất này sẽ gây đau bụng, tiêu chảy và không có lợi cho hệ tiêu hóa.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi dùng mẻ bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

Kiểm tra kỹ mẻ trước khi dùng

Dù là mẻ tự làm hay mẻ mua về, thì trước khi sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn bạn cũng cần phải xem xét nó thật kỹ. Mẻ rất dễ bị nhiễm nấm mốc. Hãy quan sát xem mẻ có mùi thơm không, có hương lạ lẫn trong đó không. Mẻ có đổi sang màu vàng hoặc đen không. Hoặc mẻ sẽ không có vị chua tự nhiên mà kèm theo các vị rất khó ăn khác.

Dùng đúng đối tượng

Mẻ có vị chua nên sẽ không có lợi với một số người. Ăn mẻ nhìn chung là có lợi. Nhưng nếu gia đình có người viêm dạ dày, loét dạ dày, hay trào ngược thực quản thì tốt nhất không nên dùng các món ăn có mẻ. Vị chua làm tiết axit dạ dày ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Không ăn quá nhiều mẻ

Mẻ không nên ăn hàng ngày. Nó ngon nhưng chỉ nên là một loại gia vị giúp bạn có thể đổi món chống ngán cho gia đình. Mỗi tuần bạn không nên ăn quá 3 lần mẻ. Liều lượng sử dụng cũng cần cân chỉnh hợp lý, ví dụ như nhà có trẻ em thì không nên để vị quá chua vì hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa phát triển toàn diện để có thể thích nghi được.

3 cách làm cơm mẻ tại nhà thơm ngon, vệ sinh

Không khó để bạn có thể tự mình làm mẻ “chuẩn vị như ngoài hàng”. Thật Là Ngon bật mí bạn 3 cách làm cơm mẻ dưới đây. Chỉ cần một ít thời gian, bạn đã có thể tự mình chuẩn bị được một hũ mẻ thơm ngon, đặc biệt là vệ sinh để an tâm chăm sóc bữa ăn cho gia đình.

Làm mẻ từ mẻ cái

Đây là cách làm nhanh, mẻ nhanh hình thành nhất và cũng đơn giản nhất hiện nay. Bạn cần chuẩn bị mẻ cái, lọ thủy tinh (hoặc hũ sành hay sứ là tốt nhất, không nên dùng hũ nhựa).

Mẻ cái là cơm mẻ đã ngấu. Bạn có thể mua mẻ cái ngoài chợ hoặc có thể đi xin một ít từ những nhà đang nuôi mẻ.

Cách thực hiện như sau:

  • Rửa sạch hũ đựng mẻ, tráng qua nước sôi và để thật khô nước.
  • Cho cơm mẻ vào hũ
  • Lấy cơm nguội dầm tơi ra, sau đó cho vào bên trên cơm mẻ. Lượng cơm phù hợp với lượng mẻ sẵn có.
  • Đậy nắp nhưng không cần đậy quá kín

Đặt hũ mẻ ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, tránh gần nguồn nhiệt như bếp. Trong điều kiện thời tiết phù hợp, bạn sẽ thấy cơm nguội sẽ tự nát và phân hủy hoàn toàn. Lúc này, bạn hãy quan sát xem mẻ có màu trắng đục của sữa chua. Nếm thử sẽ thấy vị chua nhẹ là đã có thể đem ra sử dụng.

Cách này đơn giản nhưng điều quan trọng là bạn phải đảm bảo được chất lượng mẻ cái. Nếu chọn mẻ cái không sạch thì bạn đã vô tình nuôi lớn vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Do đó, nguồn mẻ cái phải uy tín, an toàn.

Cách làm mẻ không có cái

So với cách 1, thì cách này phức tạp hơn và có thể có tỷ lệ thất bại nhiều hơn. Tuy nhiên, nó cũng không quá khó để bạn có thể thực hiện được một hũ mẻ chuẩn ngon cho gia đình.

Bạn chuẩn bị hũ làm mẻ như trên. Cách thực hiện chi tiết như sau:

  • Nấu cơm và cho nhiều nước hơn so với khi nấu thông thường.
  • Khi cơm sôi, hãy chắt nước cơm ra, để riêng cho nguội.
  • Đợi cơm chín, múc cơm ra và để nguội.
  • Cho cơm đã nguội vào hũ. Sau đó đổ nước cơm vào. Yêu cầu kỹ thuật là nước cơm phải ngập cơm.
  • Đậy hũ kín lại. Ở cách làm này, bạn phải đậy hũ kín để không khí bên ngoài không xâm nhập vào bên trong được.
  • Đặt hũ mẻ nơi thoáng, kín gió.
  • Từ 7 - 10 ngày, hãy thường xuyên kiểm tra xem mẻ đã hình thành chưa. Khi đạt được các tiêu chuẩn của mẻ thì bạn đã làm thành công. Cũng có vài trường hợp mẻ bị mốc hoặc hỏng, có thể do bạn dùng cơm còn nóng hoặc đậy nắp không kín. Hãy kiên trì thực hiện lại và chắc chắn bạn sẽ có được thành phẩm chuẩn nhất.

Mẻ khi để lâu sẽ có các con mẻ bò lên thành hũ. Nếu bạn đã lấy mẻ ra để sử dụng thì nên cho thêm cơm nguội vào để tiếp tục nuôi hũ mẻ. Cứ như vậy, bạn có thể nuôi mẻ và dùng quanh năm mà không cần phải đi mua nữa.

Nhiều người thay vì dùng cơm lại dùng bún để nuôi mẻ. Cách này cũng có thể thực hiện nhưng không thông dụng. Theo khảo sát nhiều chị em nội trợ, dùng mẻ từ bún cũng không ngon như cơm.

Làm mẻ từ cơm kết hợp sữa chua

Đây cũng là một trong những cách nuôi mẻ được nhiều chị em nội trợ áp dụng. So với cách làm cơm mẻ không có cái thì cách này giúp rút ngắn được thời gian nuôi mẻ. Tuy nhiên, nó cũng khá phức tạp.

  • Lấy khoảng 1 muỗng canh sữa chua, để ở nhiệt độ phòng khoảng 8 tiếng để men chua phát triển và sản sinh nhiều lợi khuẩn.
  • Dùng 1 bát ăn cơm, cho cơm còn hơi nóng vào. Sau đó trộn đều cơm với 1 muỗng cafe đường thêm chút nước ấm. Sau đó dàn đều cơm, đổ sữa chua lên men vào, đảo đều để cơm ngấm sữa chua.
  • Đậy kín bát lại
  • Mang cơm sữa chua đậy kín khoảng 2 giờ đem bỏ vào nồi cơm điện. Bạn hãy bật chế độ giữ ấm và để nguyên chế độ này trong 2 ngày. Mở ra kiểm tra, thấy cơm đã bấy, có vị chua nhẹ là đã thành công.

Như vậy, Thật Là Ngon đã cùng bạn tìm hiểu mẻ là gì, các loại ích cũng như các lưu ý khi dùng mẻ. Hy vọng rằng, bài viết cung cấp thông tin hữu ích đến các bạn. Chúc các chị em có được một hũ mẻ tự nuôi thật an toàn cũng như nấu được các món ăn từ mẻ chuẩn vị nhất!

Bài viết bởi Rơm
Xin chào, mình là Rơm! Bếp luôn là nơi mình giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống. Mong rằng các bạn cũng sẽ có những trải nghiệm thật vui cùng với Thật Là Ngon nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết Khác

Ủng hộ

Chi phí hoạt động của Thật Là Ngon hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của bạn đọc.
Hãy hỗ trợ chúng tôi bằng cách sử dụng link giới thiệu bên dưới mỗi khi mua sắm.
Xin chân thành cám ơn bạn!
databaselayers